Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Thạnh Lộc.
Đến với xã Thạnh Lộc hôm nay, không khó để nhận ra sự đổi thay mạnh mẽ của nơi đây. Ðường sá trên địa bàn được đầu tư xây dựng, mở rộng; trường học khang trang, nhiều ngôi nhà được xây dựng mới; người dân hăng hái lao động sản xuất... Chứng kiến những đổi thay của xã nhà từ khi bắt tay vào xây dựng xã NTM đến nay, chú Trần Chí Tâm ở xã Thạnh Lộc bộc bạch: “Chẳng thể ngờ được, từ một vùng quê thuần nông, đường làng, ngõ xóm nắng thì bụi, mưa thì lầy lội mà giờ đã được cứng hoá, bêtông hoá, máy móc đi đến tận đồng ruộng, người dân đi lại hay vận chuyển hàng hóa đều thuận tiện hơn. Nhà văn hoá ấp, trạm y tế xã, trường học… đều được đầu tư xây dựng khang trang. Chính người dân được thụ hưởng từ những công trình đó nên ai cũng phấn khởi!”.
Thạnh Lộc được công nhận xã NTM vào cuối năm 2017. Từ bước đệm đó, địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Ông Lê Thanh Tứ Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết: Ðể đạt được mục tiêu đề ra, xã cố gắng duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM, hằng năm rà soát thực hiện từng tiêu chí, khó đâu, gỡ đó. Xác định đầu tiên phải làm tốt công tác quán triệt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về xây dựng NTM nâng cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt. Cùng với đó, hệ thống chính trị, các đoàn thể từ xã đến ấp tích cực tuyên truyền giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng, mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng NTM nâng cao. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thành công xây dựng NTM nâng cao.
Giai đoạn 2017-2022, xã huy động hơn 181 tỉ đồng để nâng cao chất lượng của từng tiêu chí theo hướng NTM nâng cao. Nguồn vốn huy động được xã tiếp tục ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như xây dựng mới, nâng cấp cầu đường giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… Ða phần các tuyến đường trên địa bàn xã được nhựa hóa, cứng hóa và được bảo trì hằng năm, thực hiện phát quang đảm bảo giao thông thông thoáng, an toàn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 99,04%; có 7/7 trường đạt chuẩn theo quy định; 90% hộ dân sử dụng nước sạch... Các hội đoàn thể xây dựng nhiều mô hình nhằm nâng cao ý thức xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn. Ðơn cử, mô hình xử lý và phân loại rác thải tại nhà của Hội LHPN xã; mô hình cột cờ thẳng hàng, đèn chiếu sáng các ấp Thắng Lợi, Tân Thạnh, Tân An…; mô hình cổng rào an ninh và camera an ninh của hai lực lượng Công an và Quân sự... Hòa nhịp chuyển đổi số, 7/7 ấp của xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng là nòng cốt trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức. Ðồng thời, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công...
Không chỉ dừng lại ở hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, khang trang mà đời sống của người dân ngày một nâng cao. Trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhất là việc vận động nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3.036ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 15 cánh đồng lớn với diện tích hơn 1.181ha. Cùng đó, xã mở rộng diện tích trồng rau màu theo hướng thâm canh tăng năng suất, chủ yếu các loại như củ cải trắng, dưa leo, dưa hấu, bắp…; phát triển đàn gia súc gia cầm như dê, bò, vịt... Duy trì các mô hình nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi ếch với 1.100 vèo tương đương 30ha, đồng thời tạo ra ếch giống cung cấp cho người nuôi tại địa bàn xã và các xã lân cận. Tất cả các loại nông sản đều được chú trọng thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định về giá cả. Thạnh Lộc còn có mô hình trồng hoa kiểng đặc trưng là mai vàng đã và đang được chú trọng phát triển và nhân rộng trên toàn địa bàn.
Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã, 56 tổ hợp tác, 1 câu lạc bộ trồng mai, 20 tổ hội nghề nghiệp. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi được cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với 4 sản phẩm là lúa, na thái, dừa và mít và đang được chọn làm điểm thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên diện tích 10ha cho các loại na thái, mít, dừa... Với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và đa dạng ngành nghề, thu nhập của người dân Thạnh Lộc ngày càng được nâng cao. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65,75 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,46%...
Xây dựng NTM nâng cao là cơ sở để các tiêu chí NTM thực sự đi vào chiều sâu, là dịp để mỗi người dân tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, kiến thiết xây dựng quê hương. Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao, Thạnh Lộc sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Lê Thanh Tứ Hải khẳng định: Xã sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTN kiểu mẫu. Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh…
Theo Báo Cần Thơ