Cần Thơ: Đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

20/02/2022 - 09:27

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ có xu hướng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong khi các thách thức từ hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu lại gia tăng. Ðể ổn định và nâng cao được hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải kịp thời đổi mới để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần có các giải pháp đồng bộ trong thúc đẩy phát triển các mô hình làm nông hiệu quả gắn với làm tốt các khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ có xu hướng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong khi các thách thức từ hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu lại gia tăng. Ðể ổn định và nâng cao được hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải kịp thời đổi mới để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần có các giải pháp đồng bộ trong thúc đẩy phát triển các mô hình làm nông hiệu quả gắn với làm tốt các khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Trồng dưa lưới tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Yêu cầu đổi mới, phát triển

Thời gian qua, diện tích đất nông nghiệp tại thành phố giảm dần theo tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Ðến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp tại thành phố chỉ còn ở mức 114.260ha, giảm hơn 1.170ha so với năm 2008. Còn ước đến cuối năm 2021, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại thành phố còn khoảng 112.380ha.

Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm và dân số tăng, nên diện tích đất canh tác bình quân trên đầu người thấp, nông dân rất khó làm giàu. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp dễ gặp các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng và giá đầu ra nhiều loại nông sản lại thường xuyên bị giảm do thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm chưa đa dạng. Các khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, nhiều loại nông sản chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô nên dễ gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá”. Hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản cũng còn hạn chế do chưa thực hiện tốt việc liên kết, sản xuất còn manh mún và nhỏ lẻ, khó đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí và tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được thực hiện nhưng chưa nhiều. Trước thực tế này, đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan khắc phục các hạn chế và kịp thời có những giải pháp nhằm đổi mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hơn hiệu quả và giá trị sản xuất trên cùng diện tích...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2022, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu đạt tổng diện tích sản xuất lúa cả là 206.720ha, tổng sản lượng hơn 1,24 triệu tấn. Diện tích trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 15.588ha, với sản lượng đạt 170.480 tấn. Diện tích trồng cây ăn trái đạt 24.320ha, với sản lượng 165.825 tấn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 8.500ha, với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 216.750 tấn. Tổng đàn heo 130.000 con và đàn gia cầm đạt 2 triệu con, với sản lượng thịt hơi các loại đạt 35.500 tấn. Qua đó, đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố đạt từ mức 2,85% trở lên...

Ðể thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp và huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo vệ sản xuất...

Cần hành động kịp thời

Ðể thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn TP Cần Thơ, Ðoàn công tác của Thành ủy Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị và một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Tại buổi làm việc, các thành viên của Ðoàn công tác đã đề xuất nhiều định hướng, giải pháp nhằm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp cần phối hợp các sở, ngành thành phố và địa phương làm tốt công tác quy hoạch sản xuất gắn với các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bộ để nông dân và doanh nghiệp tăng cường liên kết, phát triển sản xuất theo hướng chất lượng và an toàn gắn với phát triển khâu bảo quản, chế biến sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất các loại cây trồng vật nuôi giúp mang lại giá trị cao để nâng cao lợi nhuận và giá trị trên cùng diện tích. Kịp thời chuyển bớt lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và chú trọng công tác đào tạo nghề và phát triển các dịch vụ và ngành nghề mới tại các vùng nông thôn…

Ông Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND TP Cần Thơ, cho rằng, Sở NN&PTNT thành phố cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương để làm sao chúng ta giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Thúc đẩy liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp nghiên cứu lai tạo giống, nuôi trồng, chế biến sản phẩm đặc trưng, đặc sản và có tính “độc lạ”, có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương để có đầu ra tốt. Ðể nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó tăng thêm sản lượng thì rất cần chú trọng nâng cao chất lượng, khả năng chế biến sâu và phát triển các sản phẩm có giá trị cao. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển các mô hình làm dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống, sản phẩm làng nghề. Phát triển các mô hình du lịch trong nông nghiệp như du lịch sinh thái, du lịch từ các làng hoa, vườn cây ăn trái, sản phẩm trong nông nghiệp… để tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, giúp bà con “ly nông nhưng không ly hương”.

Ðồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, yêu cầu Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng thành phố cần kịp thời đổi mới tư duy sản xuất để phù hợp tình hình mới, quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng làm kinh tế nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí trung tâm của vùng ÐBSCL có truyền thống và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nên đòi hỏi ngành NN&PTNT thành phố cần có các định hướng, giải pháp để nhằm thể hiện được vai trò, vị thế của mình trong việc thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp vùng ÐBSCL. Có các chiến lược bài bản và dài hạn cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể ngành Nông nghiệp gắn với quy hoạch tích hợp của thành phố mang tính cụ thể, toàn diện để tạo cơ sở phát triển nông nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu đề xuất Ðề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình số 28 ngày 31-12-2021 của Thành ủy về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP Cần Thơ giai đoạn 2020-2025.

Theo Báo Cần Thơ