Hoạt động sản xuất tại Công ty CP May Tây Đô.
Nhập cuộc
Tại hội thảo "Giới thiệu bộ chỉ số đánh giá mức độ CÐS DN (DBI) - Ứng dụng giải pháp thực tiễn trong việc nâng cao điểm chỉ số DBI" vừa diễn ra, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: Nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, năm 2017, tác động mà CÐS mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%. Việt Nam là một nước đang phát triển với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng và linh hoạt, các DN Việt Nam đứng trước cơ hội bắt kịp xu thế chung của nền kinh tế thế giới cũng như nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu thất bại trong công cuộc CÐS. Chính vì vậy, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các DN công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Ông Nguyễn Trọng Ðường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 không còn "cá lớn" nuốt "cá bé" mà là "cá nhanh" nuốt "cá chậm". CÐS không phải là trào lưu mà là yêu cầu từ thực tiễn DN cần phải nhanh chóng nắm bắt. Vì thế, hiện có tới 69% doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đẩy nhanh CÐS để đối phó với COVID-19 nhằm tồn tại, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. Tại Việt Nam, 47% doanh nghiệp coi việc chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Dự báo khoảng 3.100 tỉ USD được cộng thêm vào GDP của khu vực ASEAN vào năm 2024 nếu đẩy mạnh CÐS cho khu vực DN nhỏ và vừa. Riêng tại Việt Nam, quá trình này dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỉ USD.
Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong ngành cơ khí xây dựng tại Việt Nam, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Việt Nam Techgroup đã nhanh chóng chuyển mình trước làn sóng số hóa. "Hiện công ty thực hiện CÐS bước đầu thông qua đầu tư và đưa vào vận hành nhiều nền tảng, phần mềm phục vụ công việc như hệ thống quản trị tài chính kế toán và bán hàng AMIS của MISA; hệ thống quản lý nhân sự, quản lý CRM và hệ thống quản lý việc bảo hành sản phẩm của Icheck… Rất may mắn là đa số cán bộ nhân viên đều tuân thủ và đồng thuận với các quyết sách thay đổi của ban lãnh đạo" - ông Lê Văn Thế, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ.
DN cần hỗ trợ
Theo ông Lê Văn Thế, mặc dù xác định CÐS là xu thế tất yếu, song Techgroup cũng khá loay hoay chưa biết nên làm gì tiếp theo, chưa định hình được DN mình đang CÐS đến đâu. Vì vậy, DN rất cần sự hỗ trợ từ các công ty tư vấn, cung cấp giải pháp cũng như từ phía Nhà nước. "Các DN nhỏ và vừa hiện nay nguồn vốn còn hạn hẹp, hầu hết chưa có cán bộ chuyên trách về CÐS. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông, VCCI và các DN công nghệ cần có những chương trình ưu đãi, hỗ trợ một phần kinh phí khi DN triển khai các nền tảng số. Bên cạnh đó, cần có những chuyên gia tư vấn đồng hành cùng DN khi sử dụng, cũng như đánh giá mức độ CÐS" - ông Lê Văn Thế nói.
Nhằm giúp DN nhìn nhận thực lực cũng như xác định rõ mình đang ở đâu trong tiến trình CÐS, ngày 13-12-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1970/QÐ-BTTTT phê duyệt Ðề án xác định bộ chỉ số DBI và hỗ trợ thúc đẩy DN CÐS. Ông Nguyễn Trọng Ðường, cho biết: Bộ chỉ số này dùng để xác định chỉ số CÐS cho DN nhỏ và vừa, DN lớn và các tập đoàn, tổng công ty. Ðồng thời, được chia thành 6 trụ cột: trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược số, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, văn hóa số, dữ liệu và tài sản thông tin. Qua đó, cung cấp bộ công cụ đánh giá mức độ CÐS giúp cho DN xác định được đang ở giai đoạn nào, các điểm mạnh yếu theo từng trụ cột của CÐS. Ðồng thời, đưa ra lộ trình, kế hoạch CÐS phù hợp với chiến lược phát triển toàn diện; hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng DN, đưa ra các khuyến nghị về CÐS cho DN.
Với tư cách là công ty cung cấp giải pháp về CÐS, bà Ðinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty CP Misa, lưu ý: Khi thực hiện đánh giá DBI, DN cần thành lập tổ đánh giá gồm các cá nhân nắm rõ nhất hoạt động mọi mặt của DN. Ðặc biệt, dữ liệu khai báo, đánh giá DBI cần đảm bảo thực chất; tránh khai báo qua loa, thông tin chưa chính xác dẫn đến sai lệch kết quả đánh giá, từ đó sai lệch về nhận định và kế hoạch thực hiện CÐS tiếp theo. Bên cạnh đó, DN cũng cần thực hiện tự đánh giá định kỳ để ra kế hoạch điều chỉnh, giải pháp cải tiến phù hợp.
CÐS là hành trình dài với những cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, DN cần chủ động vạch lộ trình ngay từ những buổi đầu CÐS với các bước căn bản: chuyển đổi về nhận thức lãnh đạo, nhân viên; xác định thực trạng, nhu cầu, mong muốn CÐS phù hợp; lựa chọn nhà cung cấp giải pháp CÐS uy tín; lập kế hoạch CÐS rõ ràng và có cam kết tiến độ thực hiện; liên tục thay đổi cải tiến quy trình, cập nhật công cụ phù hợp...
Theo Báo Cần Thơ