Cần Thơ: Khẩn trương ứng phó với hạn mặn

14/03/2023 - 09:39

Thời điểm này ở các tỉnh ĐBSCL bước vào cao điểm của mùa hạn, mặn. Theo dự báo của các ngành chức năng thì trong tháng 3-2023 hạn mặn sẽ tăng trong các đợt triều cường; vì vậy chính quyền địa phương, người dân cần khẩn trương các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt…

Chủ động duy trì sản xuất

Các tỉnh ĐBSCL nạo vét thủy lợi nội đồng để lấy nước vào mùa khô.

Đến huyện ven biển Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) vào những ngày này, mặc dù đã là mùa khô hạn nhưng việc sản xuất và sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

Bà Sơn Thị Cương, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, cho hay: "Cánh đồng lúa ở khu vực này bà con xuống giống được khoảng 2 tháng và đang phát triển tốt, bởi nguồn nước ngọt hiện thời còn dồi dào. Phía ngoài sông Hậu thì nước mặn đã có lên, nhưng ngành chức năng luôn theo dõi chặt mỗi khi độ mặn cao thì đóng cống kịp thời, nhờ đó không ảnh hưởng đối với sản xuất lúa".

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, vụ đông xuân 2022-2023, nông dân xuống giống hơn 12.600ha. Hiện đa phần lúa trong giai đoạn trổ bông, chín… Tại một số cống ngăn mặn của huyện như cống Đại An, Hàm Giang, Vàm Buôn… nhiều ngày qua độ mặn ở phía ngoài lên cao từ 4%o đến hơn 8%o, nên các cống vận hành đều được đóng kín không cho tràn vào bên trong, vì vậy đồng lúa vẫn lên tươi tốt.

"Về cơ bản năm nay nước mặn xâm nhập trễ hơn các năm trước khoảng 20-25 ngày; đồng thời không diễn biến phức tạp vào đầu vụ, cộng với sự chủ động ứng phó của cơ quan chuyên môn và người dân, do đó đến giờ này không bị thiệt hại", ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú nói.

Ở vùng trồng sầu riêng huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nhiều nông dân cũng sẵn sàng ứng phó với hạn mặn năm 2023. Chị Lục Thị Kim Loan, ngụ xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, kể lại: "Cũng thời điểm này của 2 năm về trước, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra vô cùng căng thẳng; hàng loạt vườn sầu riêng bị nước mặn tấn công khiến cây bị khô héo, kiệt quệ vì thiếu nước ngọt để tưới. Chính quyền phải huy động sà lan chạy lên hướng cầu Mỹ Thuận để chở nước ngọt về đây nhằm cứu vườn sầu riêng. Năm đó, ngoài việc tốn kém chi phí khá nhiều thì vườn cây cũng bị thất thu.

Đối với năm nay, mọi việc đã dễ thở hơn rất nhiều, bởi sự chủ động phòng chống hạn mặn từ rất sớm, cộng với nhiều công trình ngăn mặn hoàn thành và đã được vận hành hiệu quả nên đến giờ này không bị ảnh hưởng gì. Ngược lại, gần đây sầu riêng có giá cao đã làm cho bà con phấn khởi".

Ở vùng cây ăn trái và hoa kiểng huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nhiều nông dân và chính quyền địa phương đã chủ động ứng phó từ rất sớm, nhờ đó đến nay nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vẫn đảm bảo.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn gay gắt của năm 2020 nên ngành chức năng tích cực đầu tư các công trình ngăn mặn; khơi thông kênh mương, trải bạt trữ nước trong vườn, bố trí thêm bồn chứa nước vào mùa khô… Tất cả nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo dõi chặt diễn biến hạn mặn

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo từ ngày 2-3 đến 9-3-2023, mặn có xu thế tăng so với tuần trước, do đó các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và trữ nước để đảm bảo nguồn nước trong kỳ mặn dâng cao hơn vào thời điểm triều cường khoảng từ ngày 21 đến 25-3…

Theo đó, ở vùng thượng ĐBSCL dự báo nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Đối với vùng giữa ĐBSCL nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Còn vùng ven biển ĐBSCL thì xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công (Tiền Giang), Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú -Tiếp Nhật...

Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc (Bến Tre); huyện Kế Sách (Sóc Trăng)… Đồng thời, cần đề phòng mặn bất thường và ngập do triều cường trong các tuần từ ngày 21 đến 25-3.

Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Để chủ động ứng phó hiệu quả trong mùa hạn mặn năm nay, các đơn vị chức năng tiếp tục quan trắc nguồn nước trên kênh rạch chính và tại vị trí các cống đầu mối. Theo đó, sẽ áp dụng đóng cống đầu mối khi độ mặn vượt 1%o; đồng thời tranh thủ mở cửa lấy nước ngọt khi độ mặn giảm dưới 1%o nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đảm bảo tích trữ, điều tiết và cung cấp nước. Phía Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cần đẩy nhanh thi công các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống cấp nước và lắp đặt đồng hồ nước nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô…".

Có thể nói, sau những năm bị thiệt hại nặng nề do hạn mặn gây ra, thời gian qua tỉnh Bến Tre đã tích cực đầu tư nhiều hệ thống ngăn mặn như Dự án thủy lợi Nam Bến Tre giai đoạn 1 vừa phục vụ cấp nước, kiểm soát mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên; đồng thời bảo vệ an toàn sản xuất cho gần 36.000ha đất ở các huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú…

Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre góp phần quan trọng ngăn mặn vào mùa khô. Đối với cống Sa Kê ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông; ngoài ra còn cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước phục vụ hàng ngàn hộ ở 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc…

Theo Báo Cần Thơ