Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đặt ra yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Theo Bộ Tư pháp, thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… Những tồn tại, bất cập xuất phát từ nguyên nhân hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm…
Việc sửa đổi Luật Đất đai đang được triển khai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Theo bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật Đất đai đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai TP Cần Thơ, chia sẻ: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã điều chỉnh bổ sung một số nội dung quan trọng, tạo điều kiện để địa phương thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Đơn cử như về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Điều 116 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung nhiều điểm mới so với Luật hiện hành, giúp thuận lợi hơn trong quá trình thực thi chính sách và làm cơ sở để thực hiện thủ tục đất đai cho doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc bổ sung quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất góp phần giải quyết các vướng mắc rất lớn trong thực tiễn triển khai các dự án của các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách minh bạch, công bằng…
Phát huy hiệu quả nguồn lực
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, không để bị suy thoái, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Một trong các chủ thể sử dụng đất giữ vai trò quan trọng, quyết định giá trị kinh tế của nguồn lực đất đai ở nước ta là tổ chức kinh tế, gồm tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, hoàn thiện Luật Đất đai sẽ thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền tiếp cận và khai thác đất đai hiệu quả của các tổ chức kinh tế. Đây là tiền đề tạo nên thành công trong khai thác nguồn lực đất đai, đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Long, có nhiều doanh nghiệp phản ánh thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong những cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án. Để tháo gỡ các vướng mắc đối với vấn đề đất đai cần quy định cụ thể hơn về trình tự thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp trước hết phải căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để đồng bộ, tránh sự chồng chéo, mẫu thuẫn về quy hoạch. Cần làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, chuyển trọng tâm từ quản lý từ công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế mà vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, thực hiện giải pháp đấu thầu, đấu giá đất trở thành công cụ tốt trong phát huy nguồn lực đất đai.
Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhấn mạnh: Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai có nhiều quy định sửa đổi bổ sung có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như tiếp cận nguồn lực đất đai đối với doanh nghiệp cũng như các chủ thể có liên quan, các quy định liên quan đến quy hoạch đất đai, cơ chế giao đất, cho thuê đất, tiếp cận đất đai có dễ dàng hay không, đảm bảo hài hòa các quyền lợi liên quan đến giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá đấu thầu; các cơ chế tài chính liên quan đến đất đai như xác định giá đất, hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp nhưng đồng thời phải đảm bảo không thất thoát tài sản của Nhà nước là những yêu cầu rất cấp bách hiện nay. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Đất đai, Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận các vấn đề khó khăn cũng như thực tiễn tiếp cận nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác liên quan đến doanh nghiệp quy định trong Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan để cùng các bộ, ngành đóng góp hoàn thiện dự thảo, tạo hành lang pháp lý thông thoáng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai hiệu quả.
Theo MINH HUYỀN (Báo Cần Thơ)