Cần Thơ: Nỗ lực sớm khởi công nâng cấp, mở rộng đoạn đầu tuyến quốc lộ 91

17/05/2024 - 09:43

Việc sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7) góp phần khai thác đồng bộ toàn tuyến quốc lộ 91 trên địa bàn TP Cần Thơ. Đây là dự án trọng điểm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. TP Cần Thơ đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác hoàn thiện thủ tục, các bước chuẩn bị để sớm khởi công dự án…

A A

Cấp thiết

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài gần 51km, nối TP Cần Thơ với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và đi biên giới Campuchia. Thời gian qua, Bộ GTVT triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 91 (đoạn Km7-Km14), đưa vào sử dụng năm 2015 với mặt cắt ngang 37m. Đoạn từ Km14-Km50+899 được nâng cấp, cải tạo theo hình thức BOT cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2015 với bề rộng mặt đường 12m. Hai đoạn tuyến quốc lộ 91 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã tạo áp lực giao thông rất lớn lên đoạn quốc lộ 91 đầu tuyến (từ Km0-Km7) chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ. Do bề rộng mặt đường nhỏ chỉ đáp ứng 2 làn xe cơ giới và không có dải phân cách giữa hoàn chỉnh, tình hình giao thông trên đoạn đầu tuyến diễn biến ngày càng phức tạp. Lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao, ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày trong giờ cao điểm; mưa lớn và triều cường gây ngập sâu…

Quốc lộ 91 (đoạn Km0-Km7) luôn tiếp nhận lượng lớn phương tiện lưu thông hằng ngày trong tình trạng quá tải.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn Km0-Km7) được HĐND TP Cần Thơ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 8-12-2023. Tổng chiều dài tuyến khoảng 7,04km (bao gồm cầu Bình Thủy). Ðiểm đầu: Km 0+00 tại nút giao đường Cách mạng Tháng 8 - đường Hùng Vương - đường Trần Phú - đường Nguyễn Trãi; điểm cuối: Km7 kết nối với đoạn Km7-Km14 đang khai thác. Đây là công trình đường giao thông cấp II, vận tốc thiết kế 60-80km/giờ. Bề rộng nền đường 37m, trong đó mặt đường phần xe chạy 23m, dải phân cách giữa 4m, vỉa hè hai bên 10m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 7.240 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; trong đó, nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 5.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2027. Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, dự kiến tổng khối lượng đất thu hồi khoảng 272.558m2. Có khoảng 1.110 hộ (trong đó có 109 hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ) và 71 tổ chức bị ảnh hưởng dự án. Số lượng nền tái định cư dự kiến là 300 nền.

Về công tác chuẩn bị dự án, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Sở đã tổ chức thi tuyển và có kết quả phương án kiến trúc cầu Bình Thủy. Cùng đó, hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hiện Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đang thực hiện thẩm định. Đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Sở GTVT đã hoàn thành công tác lấy ý kiến tham vấn các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường ở địa phương và trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường...

Quyết tâm cao độ

Khẳng định tầm quan trọng của dự án, hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, cũng như tạo đồng thuận để dự án sớm khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng. Ông Lê Tiến Dũng cho biết: Sở GTVT tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản trả lời về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để đảm bảo hoàn thành thủ tục về đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, làm việc với Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Kinh tế xây dựng để có ý kiến chính thức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Dự kiến đến cuối tháng 5-2024, UBND thành phố sẽ phê duyệt dự án. Sau khi dự án được phê duyệt, Sở GTVT lập và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của dự án. Dự kiến sẽ khởi công dự án trong quý I-2025...

Là 1 trong 2 địa phương có dự án đi qua, ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Thời gian qua, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về dự án. Cùng đó, quận phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, rà soát pháp lý, khái toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... để đảm bảo tính chính xác trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đồng thời để tạo thuận lợi và sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện dự án…

Với quyết tâm cao sớm khởi công dự án, công tác chuẩn bị được các đơn vị liên quan từ thành phố đến cấp phường khẩn trương bắt tay vào cuộc. Theo ông Mai Văn Điều, Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thực hiện chủ trương của thành phố và quận, phường đã ban hành quyết định thành lập tổ vận động để tuyên truyền cho người dân biết về dự án. Song song với đó, thông qua các cuộc họp Đảng ủy mở rộng, giao ban của UBND phường, cũng như của các ban, ngành đoàn thể của phường thường xuyên tuyên truyền chủ trương thực hiện dự án. Qua những lần tiếp xúc cử tri, đa số người dân trên địa bàn phường Bùi Hữu Nghĩa thống nhất với chủ trương nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 và mong muốn sớm thực hiện để người dân được hưởng lợi từ dự án này cũng như góp phần phát triển thành phố…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn Km0-Km7) là dự án trọng điểm và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Dự án được Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn để thành phố thực hiện trong điều kiện ngân sách của Cần Thơ còn khó khăn. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thể hiện quyết tâm cao, có sự phối hợp nhịp nhàng, tất cả vì công việc chung, vì sự phát triển của thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra sai sót...

Theo T. TRINH (Báo Cần Thơ)