Cần Thơ: Nỗi lo sinh ít

05/09/2023 - 16:03

TP Cần Thơ đang đối mặt với nguy cơ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh đủ 2 con, nguy cơ già hóa dân số…

A A

Chênh lệch mức sinh cao giữa các vùng, miền

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng trạm y tế phường Bùi Hữu Nghĩa, tuyên truyền cho chị em về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: CTV

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng quy mô và cơ cấu dân số tại một quốc gia. Mức sinh vừa là yếu tố tác động, vừa là yếu tố phản ánh mức độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, từ tổng tỷ suất sinh (TFR) là 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, góp phần làm giảm tốc độ tăng dân số trong thời gian qua.

Trên phạm vi toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Tuy nhiên, mức sinh này chưa vững chắc. Năm 2020-2021, tăng nhẹ trên 2,1 con và giảm mạnh vào năm 2022 là 2,01 con. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Dân số trung bình của cả nước ước tính 99,46 triệu người, có thể không đạt mục tiêu quy mô dân số ở mức 100 triệu người vào năm 2025.

Mức sinh còn chênh lệch giữa các vùng, miền, địa phương. Có địa phương đã giảm sâu mức sinh dưới mức thay thế, trong khi đó nhiều tỉnh mức sinh vẫn còn ở mức cao. Hiện, Đông Nam Bộ và ĐBSCL là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước và thấp hơn mức sinh thay thế (TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,80 con/phụ nữ).

Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn mức sinh thay thế và cao hơn mức sinh của khu vực thành thị (TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ). Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền đang là bài toán với ngành dân số. Nhằm giải bài toán này, 19/33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định chính sách dân số trong tình hình mới. Trong đó, một số tỉnh tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3; hỗ trợ thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hoặc đạt mức sinh thay thế thì ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con như khen thưởng, hỗ trợ chi phí y tế, giáo dục...

Cần Thơ lo già hóa dân số!

Tại TP Cần Thơ, trong mấy năm gần đây, thành phố đối mặt với vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số. Theo Tổng cục Thống kê, TP Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và có xu hướng giảm, năm 2016: 2,01 con; năm 2017: 1,64 con; năm 2018: 1,66 con; năm 2019: 1,66 con; năm 2020: 1,74 con; năm 2021: 1,68 con.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho biết: Tỷ lệ sinh ở Cần Thơ hiện nay ở mức 1,68 con là ở mức rất thấp, trong khi chủ trương hiện nay là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trên thực tế, ngày nay nhiều người chọn lối sống độc thân; kết hôn muộn; tỷ lệ vô sinh, hiến muộn tăng; nhiều gia đình ngại sinh con, chỉ sinh một con hoặc không sinh con... Chính vì vậy, ngành dân số đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh đủ 2 con để đảm bảo mức sinh thay thế trong thời gian tới.

Mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong tháng 9-2023, ngành y tế tập trung thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp. Thông qua chiến dịch này, ngành y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Theo H.HOA (Báo Cần Thơ)