Với thế mạnh trồng cây ăn trái, nên diện tích sản xuất lúa đông xuân trên địa bàn huyện Phong Điền chỉ gần 2.000ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Trường Long và Giai Xuân. Cơ cấu giống chủ yếu IR50404 chiếm 50,41%, Jasmine 85 29,32%, các giống OM5451 và các giống khác chiếm 20,27%. Ông Phan Thanh Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết: Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm bởi điều kiện thời tiết thuận lợi cho đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng lúa cao nhất, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân tích cực làm tốt công tác chuẩn bị cho vụ lúa. Để vụ đông xuân sản xuất hiệu quả, trước mùa vụ, ngành nông nghiệp đã xây dựng và khuyến cáo nông dân xuống giống theo lịch thời vụ, tổ chức đồng loạt ra quân phòng trừ chuột và sâu, bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm được chi phí, hạ giá thành trong sản xuất lúa. Đồng thời, phân công cán bộ ngành nông nghiệp thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình sản xuất, sâu bệnh trên lúa, kịp thời hỗ trợ nông dân.
Cán bộ ngành nông nghiệp cùng nông dân thăm đồng tại xã Trường Long, huyện Phong Điền.
Về vấn đề tiêu thụ, theo ông Phan Thanh Trung, năm nay, trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp bao tiêu lúa, chỉ có "hàng sáo" đến mua. Tuy nhiên, việc thu mua cũng khá chuyên nghiệp, đặt hàng theo giống lúa để nông dân sản xuất, cuối vụ hợp đồng máy đến gặt lúa và thu gom. Nhờ đó, nông dân yên tâm về đầu ra và đỡ công tìm thuê máy gặt lúa. Đến thời điểm này, lúa đông xuân trên địa bàn huyện Phong Điền thu hoạch hơn 480ha, thu mua tại đồng và không có lúa tồn dư.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, tại hầu khắp các cánh đồng của xã Trường Long, huyện Phong Điền, nông dân trong xã đã tấp nập ra đồng thu hoạch lúa. Theo đánh giá của nhiều hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn xã, mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi nên hạn chế được sâu, bệnh gây hại.
Hộ ông Nguyễn Văn Bán, ấp Trường Phú A, xã Trường Long vừa thu hoạch xong 22ha với giá bán tại ruộng 4.800 đồng/kg, tăng 200 đồng so với năm trước. Theo ông, vụ đông xuân này, nông dân sản xuất lúa được nhiều thuận lợi. Cụ thể, so với năm rồi thời tiết từ đầu vụ lúa đông xuân năm nay đến lúc thu hoạch rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, đặc biệt tình hình dịch hại ít xuất hiện. Nhờ vậy, giảm công chăm sóc và thuốc bảo vệ thực vật, theo đó, chi phí đầu vào cũng giảm. Ước tính chi phí đầu vào cho vụ đông xuân này khoảng 800.000 đồng/ha. Lúa đạt năng suất cao, bình quân 7-8 tấn/ha, trong khi năm rồi, ruộng trúng lắm chỉ đạt khoảng 6,5 tấn/ha.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi như ông Bán, ông Trần Văn Sơn ở xã Trường Long, cho biết: Bên cạnh thời tiết thuận lợi, bà con hầu hết xuống giống theo kịch thời vụ, né được rầy. Ngành nông nghiệp địa phương quan tâm, thường xuyên thăm đồng, kịp thời cảnh báo dịch, bệnh hại lúa để bà con phòng trừ. Không chỉ vậy, đường sá thuận lợi, việc thu mua lúa thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thủy. Có thể nói, vụ lúa đông xuân năm nay thắng lợi, lúa được mùa, bán cũng được giá nên bà trồng lúa ai nấy đều phấn khởi, có động lực tích cực chuẩn bị bước vào vụ sản xuất hè thu sắp tới.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số nông dân, nếu giá lúa đạt ở mức 5.000 đồng/kg sẽ phấn khởi hơn. Bởi giá vật tư đầu vào tăng khá cao, với mức giá khoảng 4.800 đồng/kg (dù có tăng), nhưng so với mức tăng của vật tư chênh lệch khá lớn.
Dự kiến đến cuối tháng Giêng, nông dân huyện Phong Điền sẽ thu hoạch hết diện tích lúa đông xuân 2019-2020. Đối với diện tích chưa thu hoạch, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân không được chủ quan, thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình. Theo ngành nông nghiệp huyện Phong Điền, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, huyện vận động nông dân luân canh trồng cây màu trên nền lúa, thực hiện chuyển đổi đất lúa lên trồng cây ăn trái chủ lực; nhất là diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả. Riêng với diện tích sản xuất lúa hè thu, để sản xuất đạt hiệu quả, Trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất chuẩn bị các loại vật tư cần thiết để chuẩn bị xuống giống. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không được xuống giống sớm hoặc trễ vụ hè thu mà phải tuân thủ theo đúng lịch và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngay đầu vụ. Hiện, các ngành chức năng tập trung hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, chọn giống phù hợp, bảo đảm kế hoạch, thời vụ và hiệu quả sản xuất…
Theo T. TRINH (Báo Cần Thơ)