Cần Thơ: Phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch ở Phong Điền

19/05/2023 - 09:14

Phong Điền, “vành đai xanh” của thành phố, có diện tích vườn cây khoảng 1/3 diện tích trồng cây ăn trái của TP Cần Thơ. Vườn cây không chỉ giúp người dân làm kinh tế vườn hiệu quả mà còn gắn kết hoạt động du lịch, giúp Phong Điền hình thành du lịch sinh thái đặc trưng.

A A

Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây rộ tại Phong Điền. Trong ảnh: Vườn dâu đương rộ sai trái tại Phong Điền.

Huyện Phong Điền có hơn 8.500ha vườn cây ăn trái, nổi tiếng với nhiều trái cây đặc sản: dâu hạ châu, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn… Điểm nổi bật của Phong Điền là những vườn cây lâu năm, được chăm bón kỹ, truyền từ nhiều thế hệ. Điển hình như chia sẻ của anh Nguyễn Tấn Quang, chủ vườn du lịch sinh thái Giáo Dương (159 Nhơn Lộc 1, Thị trấn Phong Điền): “Vườn cây nhà tôi đã có từ lâu, truyền từ đời cha đến tôi, đã vài chục năm. Vườn có 3ha, chủ yếu trồng dâu và măng cụt. Hồi xưa nhà chủ yếu làm nông, thu nhập chính từ vườn trái cây. Thi thoảng có khách ghé chơi vườn, từ đó thì gia đình cũng đón khách vào mùa trái cây. Tính ra đến nay cũng hơn 30 năm làm du lịch”.

Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương được xem là một trong những vườn làm du lịch lâu đời nhất ở Phong Điền. Những cây ở đây đều cao vài chục mét, có thân lớn phải một vòng tay ôm. Anh Nguyễn Tấn Quang nói: “Nhà nông nên thu nhập chính vẫn là làm vườn, bình thường bán cây giống với trái cây. Chỉ mùa dâu, măng cụt chín, tôi mới mở cửa đón khách vào. Mỗi vé vài chục ngàn đồng, được hái thoải mái, ăn bao bụng. Khi làm vườn kết hợp làm du lịch thì cũng có thêm thu nhập”. Mô hình kinh tế vườn gắn với du lịch tạo nguồn thu nhập cải thiện đời sống của người nông dân, nên nhiều hộ dân tại Phong Điền bắt đầu làm du lịch theo cách thức này. Điển hình như vườn 9 Hồng (số 398, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh), lúc trước làm nông sau đó làm du lịch, dần trở thành một điểm đến được nhiều du khách biết đến. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng, chia sẻ rằng lúc mới làm du lịch, gia đình chỉ để khách tham quan một khu vực nhỏ của vườn, do chưa có kinh nghiệm. Nhưng sau thấy làm hiệu quả nên mở rộng. Sau 7-8 năm làm du lịch, hiện vườn 9 Hồng được mở rộng với nhiều dịch vụ. Bên cạnh tham quan vườn cây còn trải nghiệm tát mương bắt cá, câu cá, chèo ghe, các trò chơi dân dã, làm bánh dân gian… Diện tích hiện tại của vườn 9 Hồng là 15.000m2 trồng chủ yếu chôm chôm, dâu, sầu riêng, vú sữa, dâu. Ông Phạm Văn Hoàng nói thêm: “Khách đến vườn rồi trở lại cũng nhiều lần vì không gian ở đây mát mẻ. Vườn của tôi là để cây trái tự nhiên nên du khách thích lắm”.

Phong Điền hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, trong đó các điểm vườn, khu du lịch sinh thái chiếm tỷ lệ hơn 2/3. Các điểm vườn trải đều ở hầu như tất cả các xã trên địa bàn, tập trung nhiều ở Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa. Anh Trần Thiện Cảnh, chủ vườn sinh thái - cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách (509 tỉnh lộ 61B, ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái), nói: “Gia đình tôi làm du lịch từ năm 2014, trước đó làm kinh tế vườn. Nhà có 10.000m2 trồng chủ yếu là dâu Hạ châu và măng cụt. Mỗi vụ thu về khoảng vài chục tấn trái cây, cũng tùy năm trúng hay thất. Nhưng kinh tế vườn thì phụ thuộc thời giá thành ra cũng không có lời bao nhiêu. Mấy năm nay kết hợp làm du lịch có thu nhập ổn định hơn”. Thực tế, vườn cây trái vẫn là điểm nhấn của du lịch Phong Điền. Nhiều khu, điểm du lịch tại Phong Điền vẫn dành từ 1/3 đến 2/3 diện tích vườn cây hoặc liên kết các vườn xung quanh. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Vườn cây ăn trái tại khu du lịch rộng khoảng 15-20ha, chiếm khoảng 2/3 diện tích của khu du lịch, trồng nhiều loại như: mận, dâu, chôm chôm, nhãn, mít… Khách từ miền Bắc rất thích vườn cây trái miền Tây nên chúng tôi rất chú trọng phát triển các vườn cây sao cho đa dạng”. Nhiều khu du lịch khác như: Cần Thơ Eco Resort, Mekong Silt Ecolodge, khu du lịch Lung Cột Cầu, vườn sinh thái Lung Tràm, vườn trái cây Phi Yến… đều có ưu tiên diện tích để phát triển vườn cây ăn trái.

Vườn cây ăn trái cũng góp phần hình thành nên bản sắc miệt vườn trong du lịch Phong Điền. Lợi nhuận kép từ kinh tế vườn và du lịch đã góp phần thúc đẩy nhiều hộ dân tại Phong Điền chuyển sang làm du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, du lịch nông nghiệp đang được ngành Du lịch thành phố khuyến khích phát triển. Thứ nhất vì loại hình này phù hợp với tiềm năng lợi thế của Phong Điền, mặc khác việc phát triển vườn cây ăn trái cũng góp phần phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, phù hợp xu thế phát triển du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên đang được ưa chuộng hiện nay. Điều này cũng phù hợp với đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đề án cũng xác định khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ…

Có thế thấy, mô hình kinh tế vườn kết hợp làm du lịch ở Phong Điền mang về nhiều lợi ích cho địa phương. Một mặt phát huy được tiềm năng những vườn cây ăn trái lâu năm, vừa giúp gia tăng giá trị nông sản vừa góp phần hình thành nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho Phong Điền nói riêng và Cần Thơ nói chung.

Theo Báo Cần Thơ