
Nhóm tác giả nghiên cứu các sản phẩm từ cây chùm ngây.
Đó là đề tài “Nghiên cứu sử dụng cây chùm ngây (moringa oleifera L.) để làm trong nước sông, diệt khuẩn và làm trà thảo dược” của nhóm 4 học sinh: Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Quách Gia Kỳ, Nguyễn Trần Yến Vy và Nguyễn Huỳnh Phương Uyên, vừa đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 10, năm 2021.
Em Nguyễn Trần Yến Vy cho biết: Do nơi các em ở khá nhiều kênh rạch, vườn tược nên cây chùm ngây mọc nhiều, thường bị chặt bỏ hoặc bỏ hoang. Thấy tiềm năng của loài cây này nên các em nghiên cứu công dụng, ứng dụng vào đời sống. Ý tưởng của 4 nữ sinh được giáo viên hướng dẫn, Ban Giám hiệu đánh giá cao và hỗ trợ thực hiện. Thầy Nguyễn Văn Vũ, giáo viên hướng dẫn đề tài, cho biết: Khi học thực hành môn Sinh học, các em được trải nghiệm trồng cây quanh trường. Qua đó, các em phát hiện vấn đề và nghĩ đến việc đa dạng hóa sản phẩm cho cây, trái vườn nhà, đặc biệt là cây chùm ngây.
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm ghi nhận đặc tính keo tụ của hạt chùm ngây, cùng với tính kháng khuẩn, nhất là với vi khuẩn E.coli. Hạt chùm ngây sau khi trái đã khô mang tách vỏ, phơi thật khô, gỡ bỏ lớp màng và đem xay nhuyễn thành bột. Bột hạt chùm ngây được cho vào túi lọc, khoảng 50gr/túi. Đơn giản như vậy, bột hạt chùm ngây đã thành nguyên liệu làm trong nước sông. Một túi lọc 50gr bột hạt chùm ngây dùng để diệt khuẩn và làm trong khoảng 20 lít nước sông. Em Quách Gia Kỳ cho biết: “Chỉ cần cho túi lọc vào thùng nước, khuấy đều và đợi từ 20-30 phút, nước sông sẽ trong, phù sa, bụi bẩn sẽ lắng dưới đáy thùng”.
Bà Nguyễn Ngọc Tiên, người dân xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết thường tận dụng nước từ sông rạch để sử dụng trong sinh hoạt và dùng phèn chua hoặc một số hóa chất lắng lọc để làm trong nước, nhưng lo ngại tác dụng phụ của hóa chất. Với bột hạt chùm ngây, bà rất an tâm và có thể tự chế biến để sử dụng. Theo nhóm nghiên cứu đề tài, bột hạt chùm ngây đảm bảo làm nước trong cho người sử dụng, đặc biệt là tính an toàn cao, không tốn chi phí.
Với trà thảo dược từ lá chùm ngây, nhóm đã nghiên cứu cách chế biến, bảo quản sao cho giữ được các giá trị dinh dưỡng, dược tính của chùm ngây. Em Nguyễn Thị Ngọc Diễm cho biết: Sau khi thử nghiệm nhiều lần thì nhóm nhận thấy lá chùm ngây ở độ vừa, không quá già cũng không quá non, là thích hợp để làm trà. Lá chùm ngây sau khi thu hoạch, phơi khô rồi đem đi xay nhuyễn. Ở phạm vi gia đình, có thể sử dụng máy xay đa năng gia dụng để xay. Bột lá chùm ngây sẽ được cho vào túi lọc như một loại trà túi lọc thông thường, dùng pha trà để uống.
Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, nhóm nhận thấy nếu dùng 100% lá chùm ngây để làm trà thì có vị hăng. Vậy là nhóm kết hợp lá dứa xay nhuyễn để tạo mùi, theo tỷ lệ 1 lá dứa - 9 lá chùm ngây. Nhờ vậy, sản phẩm trà lá chùm ngây do các em làm ra có vị thơm nhẹ, dễ uống. Lá chùm ngây có nhiều dược tính nên đây là loài trà “cây nhà lá vườn” dễ làm, dễ sử dụng và tăng sức đề kháng. “Sau khi giới thiệu, nhiều người uống và thích trà của nhóm làm ra”, em Nguyễn Huỳnh Phương Uyên cho biết.
Đề tài “Nghiên cứu sử dụng cây chùm ngây (moringa oleifera L.) để làm trong nước sông, diệt khuẩn và làm trà thảo dược” của nhóm học sinh Trường THPT Giai Xuân không khó để làm ra sản phẩm, quan trọng là ý tưởng và công thức thực hiện. Nhóm cho biết đề tài sẽ được giới thiệu rộng rãi để ai cũng có thể tận dụng cây chùm ngây quanh nhà. Không tốn tiền, tốt cho sức khỏe và nhất là tăng tính ứng dụng của thảo dược địa phương, đó là điều nhóm mong muốn.
Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân, cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường rất quan tâm việc phát triển sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học đường và đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố, toàn quốc. Qua đây, các em học sinh rèn luyện tác phong khoa học, ứng dụng kiến thức đã học vào nghiên cứu. Nhà trường cũng luôn động viên thầy cô và học sinh phát huy sáng tạo khoa học kỹ thuật, kịp thời hỗ trợ những ý tưởng mới, hay để cụ thể hóa thành sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)