Cần Thơ tăng cường hỗ trợ cho y tế các tỉnh miền Tây

29/03/2023 - 09:05

Hệ thống y tế TP Cần Thơ luôn nỗ lực hướng đến mục tiêu trung tâm Y tế của vùng ÐBSCL. Các bệnh viện (BV) cả công lập và tư nhân không ngừng phát triển, đảm nhận điều trị những ca bệnh nặng, bệnh khó chuyển đến từ các tỉnh trong vùng. Song song đó, các BV còn tích cực chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao năng lực của y tế các địa phương.

TS.BS CKII La Văn Phú (bìa trái) “cầm tay chỉ việc”, đào tạo học viên thông qua các ca mổ. Ảnh do BS cung cấp.

Hỗ trợ đào tạo chuyên môn

BS CKI Nguyễn Duy Ðông, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BV Ða khoa tỉnh Ðồng Tháp đang theo học chương trình chuyên khoa II tại Trường Ðại học Y dược Cần Thơ. BS Ðông chọn đề tài để làm luận văn cuối khóa về kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng. BS Ðông chia sẻ: “Kỹ thuật này giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân và cả các bác sĩ phẫu thuật trong điều trị bệnh lý sỏi đường mật, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, giảm thiểu biến chứng”. Vì thế, thời gian này, BS Ðông tập trung thực hành, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp tại khoa Ngoại Tổng hợp, BV Ða khoa TP Cần Thơ - nơi đã triển khai kỹ thuật cao này nhiều năm qua.

BV Ða khoa TP Cần Thơ luôn là địa chỉ thực hành chính quy, có vai trò to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh ÐBSCL. Theo TS.BS CKII La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV Ða khoa TP Cần Thơ, thuận lợi của BV là lượng bệnh đông, đa dạng mặt bệnh. Ða phần nhóm bác sĩ học chuyên khoa, sau đại học đều có nền tảng kiến thức vững, đã lựa chọn chuyên khoa theo đuổi.

“Nhiều đồng nghiệp tuyến tỉnh có tinh thần trách nhiệm cao, đam mê nghề nghiệp, tham gia các ca mổ bất kể thời gian. Với vai trò là đàn anh trong nghề, trong quá trình đào tạo, cầm tay chỉ việc, chúng tôi ra sức truyền lại kinh nghiệm cho các em. Tôi và các bác sĩ BV cũng tham dự nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài, tiếp cận kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm nên thuận tiện hỗ trợ cho đồng nghiệp tuyến tỉnh”- TS.BS CKII La Văn Phú nói.

Bên cạnh hỗ trợ đồng nghiệp đến học tập tại BV, các bác sĩ cũng đến tận nơi, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các BV ở nhiều tỉnh có nhu cầu. Hiện BS La Văn Phú và ê-kíp khoa Ngoại tổng hợp BV đang chuyển giao kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng cho các BV ở tỉnh Long An. Trước đây, các bác sĩ tỉnh đã tham gia đào tạo về kỹ thuật này ở nơi khác nhưng chưa làm chủ được kỹ thuật.

Phản hồi tuyến, nâng chất y tế cơ sở

BV Phụ sản TP Cần Thơ đóng vai trò BV chuyên khoa sản của vùng ÐBSCL, tiếp nhận cấp cứu, điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp bệnh nặng từ tuyến dưới và các tỉnh trong vùng chuyển đến. Năm 2022, BV cứu sống gần 40 trường hợp nguy kịch, như sản giật, tiền sản giật nặng, hội chứng HELLP, băng huyết... Một số trường hợp do năng lực hạn chế, quy trình cấp cứu chưa tốt của y tế cơ sở, gia tăng nguy cơ biến chứng nặng cho thai phụ. Do vậy, sau mỗi ca điều trị, các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ đều phản hồi về các đơn vị y tế đã chuyển bệnh đến để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Ðiển hình như trường hợp một bệnh nhân được chuyển đến từ nhà Bảo sanh ở tỉnh Hậu Giang. Sản phụ này sinh thường, rách tầng sinh môn, ra huyết âm đạo lượng nhiều, diễn tiến sức khỏe xấu, được nhân viên nhà bảo sinh đưa đến cổng BV, không có giấy tờ chuyển tuyến kèm theo. Sau nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốc do băng huyết sau sinh, đờ tử cung, được hồi sức, tăng co tích cực, đặt bóng chèn lòng tử cung, may tầng sinh môn và truyền nhiều đơn vị máu. Sau điều trị, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được xuất viện sau 5 ngày nằm viện. BV Phụ sản TP Cần Thơ đã phản hồi về Hậu Giang để rút kinh nghiệm vấn đề chuyển bệnh không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Chuyển giao kỹ thuật cao lĩnh vực nhãn khoa

Ông Nguyễn Tiến Ðức, Giám đốc vận hành BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ, cho biết, BV hình thành định hướng chiến lược 3T, gồm 3 trung tâm: Trung tâm điều trị, Trung tâm đào tạo và Trung tâm hợp tác và nghiên cứu. Từ tháng 10-2021, BV chính thức trở thành đơn vị đào tạo thực hành lâm sàng và đào tạo nhãn khoa cho các tỉnh thành trong cả nước.

Về đào tạo thực hành lâm sàng nhãn khoa, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ đã đào tạo phẫu thuật PHACO và Laser YAG cho các bác sĩ nhãn khoa của nhiều tỉnh thành, đông nhất là các tỉnh ÐBSCL. Từ năm 2021, BV tiếp nhận 29 bác sĩ thuộc lớp chuyên khoa I nhãn khoa của Bộ môn Mắt, Trường Ðại học Y dược Cần Thơ. Suốt hơn một năm, các bác sĩ thực hành khám chữa bệnh cùng các giảng viên và chuyên gia tại BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ.

Bên cạnh đó, BV hợp tác với các viện trường đào tạo chứng chỉ và chứng nhận chuyên môn. Theo đó, đã đào tạo 3 khóa chứng chỉ phẫu thuật PHACO (71 bác sĩ), đào tạo chứng chỉ điều trị Glaucoma bằng Laser YAG (114 bác sĩ). BV cũng hợp tác cùng Ðại học Y dược Huế để đào tạo 9 bác sĩ lâm sàng. Sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ này đã về phục vụ tại các BV trên khắp cả nước. Ngoài ra, BV cũng đào tạo quản lý và nghiệp vụ ngoài y tế, trong đó có hợp tác cùng viện IRDM đào tạo chứng chỉ Quản lý thương hiệu BV cho 12 học viên của các BV trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Ðức, Giám đốc điều hành BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ, các tỉnh, thành ÐBSCL còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao lĩnh vực nhãn khoa. Hầu hết các BV ở tỉnh là BV đa khoa nên ngân sách đầu tư riêng cho nhãn khoa khá hạn chế, dẫn đến việc các bác sĩ nhãn khoa khó tiếp cận với thiết bị hiện đại và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thêm kỹ thuật mới.

Ông Nguyễn Tiến Ðức cho biết, riêng việc điều trị bệnh lý đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, khá nhiều đơn vị y tế địa phương vẫn chưa thực hiện được, một phần do thiếu thiết bị phẫu thuật chuyên dụng với vốn đầu tư khá cao, một phần thiếu các bác sĩ nhãn khoa có nghiệp vụ chuyên môn phù hợp để triển khai dịch vụ kỹ thuật. Trong khi đó, tỷ lệ đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi ngày càng tăng. Ước tính cứ 10 người trên 60 tuổi thì có 1 đến 2 người bị đục thủy tinh thể cần phẫu thuật.

Vì thế, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ triển khai trung tâm hợp tác đào tạo với các viện - trường trong khu vực ÐBSCL nâng cao năng lực cho bác sĩ nhãn khoa. Qua đó, nâng cao mặt bằng nghiệp vụ chuyên môn của lĩnh vực nhãn khoa tại ÐBSCL, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, công tác đào tạo liên tục giúp tạo cơ hội giao lưu và học tập lẫn nhau giữa các BV của các tỉnh thành; nâng cao tinh thần học tập và phát triển bản thân cho nhân viên y tế nói chung; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cùng tiến bộ. Ngoài ra, việc phát triển trung tâm đào tạo còn giúp gắn kết giữa thế hệ y khoa tiền bối với các thế hệ hậu bối chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ được học tập sâu sát hơn từ các chuyên gia nhãn khoa có uy tín trong khu vực.

Không riêng 3 đơn vị kể trên, hệ thống y tế đa dạng về quy mô và chất lượng, cả công lập và tư nhân của TP Cần Thơ đóng vai trò là cơ sở đào tạo thực hành cho sinh viên, học viên y khoa, góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế ÐBSCL. Qua đó, người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Theo THU SƯƠNG (Báo Cần Thơ)