Cần Thơ: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong xây dựng nông thôn mới

31/08/2023 - 14:24

Qua 13 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP Cần Thơ đã có bước tiến dài với toàn bộ 36 xã của được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có được kết quả đó là nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến chuyển biến thành hành động cụ thể trong thực hiện từng tiêu chí.

Vùng trồng sầu riêng chuyên canh tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền.

Chung sức

Là đơn vị đầu mối dẫn dắt phong trào xây dựng NTM, thời gian qua ngành Nông nghiệp thành phố tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đã hình thành 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 422 sản phẩm nông sản và thủy sản. Phát triển kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những tiêu chí để góp phần xây dựng NTM thành công, vì vậy ngành hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác một cách đồng bộ, hiệu quả. Hiện nay thành phố có 167 HTX nông nghiệp, trong đó có 45 HTX nông nghiệp có liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định đầu ra cho thành viên, hơn 30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp”.

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là “đòn bẩy” trong thực hiện các tiêu chí NTM, Sở KH&CN thành phố triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố và cấp huyện, qua đó tác động tích cực đến các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ nông dân, HTX tại các xã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý như dâu Hạ Châu Phong Ðiền, sầu riêng Tân Thới, nhãn Ido Ðịnh Môn, chanh không hạt Trường Long, mãng cầu Thới Hưng… Bên cạnh đó, Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ” đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố: dâu Hạ Châu - HTX Dâu Hạ Châu Phong Ðiền, nhãn Ido - HTX nông nghiệp Thới Trinh, sầu riêng - HTX Tân Thới 1, trà mãng cầu - Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, trà đông trùng hạ thảo - HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa…

Về phía Hội Nông dân TP Cần Thơ, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, chia sẻ: Các cấp hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiến 303.959m2 đất, vật kiến trúc, hoa màu để làm mới và nâng cấp 606,855km đường giao thông nông thôn; bắc mới, sửa chữa 809 cầu nông thôn, cống với tổng trị giá 170,414 tỉ đồng và 47.814 ngày công lao động. Hội còn phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh và dự án xây dựng mô hình điểm “Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ dân và mô hình điểm thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt” tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, với tổng kinh phí 250 triệu đồng.

Giải pháp linh hoạt

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song tiến trình xây dựng NTM của TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều bất cập: nguồn vốn hạn hẹp; phát triển hạ tầng không theo kịp nhu cầu xã hội; nhận thức về xây dựng NTM chưa đồng đều; biến đổi khí hậu tác động đến việc thực hiện các tiêu chí… Thực tế này đòi hỏi từ cấp thành phố đến huyện, xã phải có các giải pháp linh hoạt để ứng biến kịp thời.

Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Ðể giữ vững và phát huy thành quả đạt được, Thới Lai tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”. Mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua. Cùng với đó, phân cấp, tạo điều kiện để các địa phương và người dân chủ động trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; khuyến khích các mô hình người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng NTM ở cơ sở.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, TP Cần Thơ định hướng phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp, nông thôn thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị, đưa nông sản, sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử,… là giải pháp xây dựng NTM bền vững, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh. Ðể làm được điều đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch: chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025 trên địa bàn TP Cần Thơ; kế hoạch số 93/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ…

Với yêu cầu đặt ra trong thực hiện các tiêu chí NTM ngày càng cao, ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM cả chiều rộng và chiều sâu. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn để giữ vững những thành quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã dày công xây dựng. Mặt khác sẽ tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ Trung ương thông qua kiến nghị Văn phòng điều phối NTM Trung ương mở các lớp tập huấn cho các cán bộ thực hiện chương trình; đề xuất Chính phủ có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản…

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)