Cần Thơ: Thêm những niềm vui

27/01/2023 - 18:17

“Tết này là cái Tết đáng nhớ nhất, vừa có nhà mới, vừa làm ăn khởi sắc, tôi đã “trả lại” sổ hộ nghèo...” - chị Nguyễn Thị Thu Huệ ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, vừa vui mừng, vừa xúc động chia sẻ. Chị Huệ là 1 trong gần 1.000 trường hợp hội viên phụ nữ yếu thế, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, được các cấp Hội LHPN quận Ô Môn hỗ trợ nhiều mặt thông qua mô hình “Dân vận khéo” do Hội xây dựng năm 2022 và chị đã vươn lên thoát nghèo.

A A

Nở rộ mô hình vì an sinh xã hội

Bà Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, trao quyết định tặng Mái ấm tình thương cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huệ.

Bà Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, trao quyết định tặng Mái ấm tình thương cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huệ.

Hơn 10 giờ sáng, chợ Ba Se tấp nập người mua bán, xe đồ rẫy của chị Huệ sớm hết veo. Chị Huệ nhẩm tính, lời hơn 300.000 đồng - mức thu nhập mà hơn năm trước chị chưa dám mơ tới. Vợ chồng chị Huệ cưới nhau trong cảnh nghèo khó. Chồng làm thợ hồ, rày đây mai đó, chị Huệ ở nhà chăm sóc 2 con trai và nhận sửa đồ cho bà con trong xóm. Căn nhà tạm bợ cất nhiều năm nhưng anh chị chưa có khả năng xây sửa. Sau đại dịch COVID-19, cuộc sống gia đình chị càng thêm khốn khó. Chị Huệ kể: “Cán bộ Hội Phụ nữ gợi ý tôi vay vốn để sắm phương tiện, mua bán đồ rẫy. Các chị cũng vận động cất tặng gia đình tôi căn nhà mới. Con trai út đang học lớp 12 được hỗ trợ tập vở, học bổng… Tôi nhớ hoài lời các chị dặn “Khó khăn đến đâu cũng còn có chị em trong Hội” nên ráng phấn đấu vươn lên…”.

Bà Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, cho biết: “Năm 2022, Hội LHPN quận thực hiện mô hình “Giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế có việc làm ổn định, nâng cao mức sống sau dịch COVID-19”. Hội tiến hành khảo sát nhu cầu, định hướng công việc, giới thiệu các chị vay vốn làm ăn; ra mắt 2 tổ may gia công và 2 mô hình liên kết giải quyết việc làm “Đan lưới - Đan lú”. Đồng thời, vận động xã hội hóa xây dựng, sửa chữa 7 Mái ấm tình thương. Mô hình giúp gần 1.000 hội viên phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống 23 phụ nữ yếu thế. Đến cuối năm 2022, có 237 hộ phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo”.

Ở những quận, huyện khác, nhiều mô hình “Dân vận khéo” cũng chú trọng hỗ trợ trẻ em, phụ nữ yếu thế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điển hình, Hội LHPN huyện Cờ Đỏ vận động xây dựng mới 12 Mái ấm tình thương trị giá hơn 600 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi; Ủy ban MTTQVN quận Cái Răng vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 40 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo…

Những công trình thắm tình đoàn kết

Cầu Hy vọng 200, ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung Thạnh xây kiên cố, rộng rãi giúp người dân đi lại thuận tiện.

Cầu Hy vọng 200, ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung Thạnh xây kiên cố, rộng rãi giúp người dân đi lại thuận tiện.

Chúng tôi trở lại ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ khi nhà nhà náo nức chuẩn bị đón Tết. Trong câu chuyện rôm rả cuối năm, sự kiện khánh thành cầu giao thông Hy vọng 150 và Hy vọng 200 được hào hứng nhắc đến. Ông Phan Thái  Hồ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp, kể: “Trước đây là cầu ván nhỏ hẹp, không có tay vịn nên thường xảy ra chuyện va quẹt nhau, rớt xuống kênh, nhiều người phải xuống xe dắt bộ... Bà con mong ước có cầu kiên cố, rộng rãi. Quyết tâm vận động xây cầu, xã tính toán cần khoảng 700 triệu đồng. Tổ Dân vận đắn đo vì số tiền vận động khá lớn. Chi bộ, Tổ Dân vận ấp lên kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm từng đảng viên vận động nhà hảo tâm, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, tích cực vận động xã hội hóa… Bà con thống nhất đóng góp theo tinh thần tự nguyện, tùy theo khả năng từng hộ và góp ngày công lao động. Những ngày làm cầu rất vui, từ thanh niên trai tráng đến các lão nông giàu kinh nghiệm đều tụ họp chung sức, chung lòng… Tính chung, hai cây cầu có tổng trị giá 700 triệu đồng và 1.500 ngày công lao động, trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ 270 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp”.

Bà con ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh cũng rất phấn khởi khi Tết này có thêm cây cầu bê tông kiên cố, giao thương thuận lợi. Đó là thành quả của sự gắn kết, phối hợp vận động giữa Tổ Dân vận ấp C1 với giáo xứ Hải Hưng để cầu được xây dựng, trị giá 600 triệu đồng. Năm qua, Khối Dân vận xã Trung An, huyện Cờ Đỏ cũng đã vận động các tổ chức tôn giáo, nhân dân đóng góp hơn 1,9 tỉ đồng bắc mới 4 cầu bê tông;…

Giúp nhau phát triển kinh tế

Cán bộ Hội Nông dân phường Ba Láng tham quan tìm hiểu tình hình sản xuất của thành viên Tổ hợp tác trồng màu.

Cán bộ Hội Nông dân phường Ba Láng tham quan tìm hiểu tình hình sản xuất của thành viên Tổ hợp tác trồng màu.

Ông Nguyễn Văn Sáng ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, vừa trúng vụ dưa leo Tết với hơn 14 tấn trái, giá bán 11.000-14.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 60 triệu đồng. Ông Sáng hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu do Hội Nông dân phường Ba Láng, quận Cái Răng thành lập và duy trì hiệu quả nhiều năm qua. Trung bình mỗi công màu, các thành viên tổ đạt lợi nhuận 60-80 triệu đồng/năm.

Năm năm trước, gia đình ông Sáng thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn, không đất đai sản xuất, chật vật lo cho 3 người con ăn học. Được Hội Nông dân phường động viên, tạo điều kiện, ông thuê đất trồng màu. Khi Hội thành lập Tổ hợp tác, ông Sáng được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Ông Sáng chia sẻ: “Tổ hiện có 7 thành viên, canh tác 2,2ha; đa số thuê đất sản xuất. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bàn bạc tìm đầu ra cho nông sản. Nhờ trồng màu mà tôi cất được căn nhà khang trang hơn 900 triệu đồng. Đứa con lớn giờ là giáo viên mầm non, hai con trai vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học”.

Các hội, đoàn thể chú trọng xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, giúp hội viên, nhân dân tăng thu nhập. Điển hình như mô hình Trồng rau xanh của Hội LHPN xã Trung An, với 43 hộ, diện tích hơn 2,25ha. Trung bình mỗi công rau cho lãi trên 100 triệu đồng/năm. Hay như mô hình Tổ hợp tác trồng mận do Hội Nông dân phường Thới Long xây dựng, với 30 thành viên, diện tích 16,8ha. Mỗi công trồng mận cho lãi khoảng 60 triệu đồng/năm;…

Thật khó để kể hết khi mà toàn thành phố hiện có 2.535 mô hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Những kết quả thiết thực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khẳng định đây là chủ trương đúng, trúng ý Đảng, hợp lòng dân... Để từ đó, nhiều mái ngói đua nhau khoe sắc, thay cho những mái lá tạm bợ, xiêu vẹo; những cầu tre “lắt lẻo, gập ghềnh” được xây mới, bê tông kiên cố… ngày từng ngày, thêm nhiều gia đình đón Tết sung túc hơn…

Theo Báo Cần Thơ