Cần Thơ: Thới Lai tổ chức tốt sản xuất để thắng lợi vụ đông xuân

27/11/2023 - 09:40

Huyện Thới Lai là một trong những địa phương sản xuất lúa chủ lực của TP Cần Thơ. Vụ đông xuân 2023-2024, Thới Lai dự kiến gieo trồng 17.571ha lúa. Để sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng này, các cấp chính quyền đã quan tâm “đồng hành” cùng nông dân nhằm tổ chức tốt việc sản xuất. Kịp thời định hướng và khuyến cáo để nông dân chuẩn bị tốt cho mùa vụ và tăng cường áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Chủ động chuẩn bị cho mùa vụ

Gia đình ông Phạm Văn Hoàng ở ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, có 20 công ruộng. Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông, ông đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gia cố lại bờ bao và cho nước lũ vào ruộng nhằm nhấn chìm các mầm sâu bệnh và đón phù sa. Đồng thời, chuẩn bị trước nguồn lúa giống chất lượng để phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Đây là những giải pháp mà ông Hoàng đã chủ động thực hiện từ sớm để sản xuất lúa vụ đông xuân đạt thắng lợi và giảm chi phí.

Ông Hoàng cho biết: “Năm nay, lúa có giá cao nên nông dân rất tích cực đầu tư cho vụ lúa đông xuân. Dù lũ nhỏ nhưng với việc chủ động mở đồng đón lũ từ khá sớm và đã đưa nước lũ vào ruộng trong thời gian gần 2 tháng, tôi tin rằng đồng ruộng được bồi bổ một lượng phù sa để lúa trúng mà không cần phải bón nhiều phân bón. Để lúa vụ đông xuân tới bán được giá cao, tôi chọn sạ giống lúa thơm Jasmine 85. Tôi đã chuẩn bị nguồn giống đạt cấp xác nhận từ khá sớm để mua được giá thấp và khi gieo sạ cây lúa phát triển khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng tốt. Ruộng lúa của tôi đã được gieo sạ vào ngày 20-11 vừa qua. Vụ này, tôi sạ thưa để tiết kiệm giống, tôi chỉ sử dụng khoảng 10-11kg giống/1.000m2”.

Anh Huỳnh Bảo Vĩnh ngụ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, cũng cho biết: “Vụ đông xuân thích hợp sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon và chất lượng cao để bán được giá cao nên tôi cũng đã chủ động tìm mua lúa giống Đài Thơm 8 để gieo sạ cho 15 công lúa của mình và tôi đã xuống giống được 3 ngày. Nhìn chung, việc gieo sạ lúa khá thuận lợi vì đã có các máy móc cơ giới để làm thay sức người, đặc biệt là thực hiện sạ lúa bằng máy phun hạt và máy bay không người lái khá nhanh chóng”.

Nông dân ở xã Thới Tân làm đất để chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân.

Theo nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Lai, năm nay nước lũ ít nên nông dân đỡ phải bơm tát nước vào đầu vụ và thời tiết cũng ít mưa, thuận lợi cho việc gieo sạ lúa. Song, nông dân không chủ quan xuống giống sớm mà tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về lịch thời vụ và thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng để “né rầy”. Qua đó, giúp thuận lợi trong liên kết áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, cũng như thực hiện chăm sóc, quản lý dịch hại, thu hoạch và tiêu thụ lúa.

Theo anh Ngô Minh Thắng ở ấp Định Hòa, xã Định Môn, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, ngoài việc tích cực áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, nông dân cũng quan tâm thực hiện các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để quản lý tốt các loại dịch hại ngay từ đầu vụ. Đặc biệt là chú ý quản lý, thu gom ốc bươu vàng và diệt chuột ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Để sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2023-2024, ngay từ khá sớm, các cấp chính quyền tại huyện quan tâm xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kịp thời có các định hướng và khuyến cáo để nông dân chuẩn bị tốt cho mùa vụ. Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai, các ban ngành huyện và địa phương trên địa bàn huyện Thới Lai đã tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân tập trung tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng này.

Từ cuối tháng 10-2023, ngay sau khi UBND huyện Thới Lai ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện sản xuất vụ đông xuân và kế hoạch triển khai cánh đồng lớn (CĐL) vụ đông xuân 2023-2024 tại huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể tại địa phương. Đồng thời, phối hợp các ban ngành quận và đơn vị có liên quan để tập huấn kỹ thuật đầu vụ, vận động, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, chọn giống tốt, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ lúa.

Vụ đông xuân 2023-2024, huyện Thới Lai phấn đấu toàn huyện gieo trồng lúa đạt diện tích 17.571ha, với sản lượng lúa đạt hơn 127.156 tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ 85% diện tích sản xuất. Diện tích lúa thực hiện mô hình CĐL là 12.800ha, với sự tham gia của hơn 13.000 hộ dân tại 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, ngay từ khá sớm huyện Thới Lai đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện sản xuất lúa vụ đông xuân 2023-2024 và tổ chức triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ngay từ đầu vụ, tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ không theo lịch khuyến cáo. Tích cực vận động nông dân đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần và tuân thủ theo nguyên tắc “gieo tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”.

Khuyến cáo nông dân sản xuất các giống có tính chống chịu rầy nâu, thích ứng điều kiện thổ nhưỡng, tình hình thời tiết của huyện và có phẩm chất gạo tốt theo khuyến cáo và theo nhu cầu thu mua của các đơn vị, doanh nghiệp, với các giống chủ lực như: Đài Thơm 8, Jamine 85, OM 18… Hướng dẫn nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị giống tốt, sử dụng giống xác nhận, áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa với lượng giống từ 80-100 kg/ha, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giảm giá thành, thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, đến ngày 23-11, huyện Thới Lai xuống giống được 2.943,2ha lúa, đạt 16,75% so với kế hoạch. Trong đó, CĐL xuống giống được 1.890ha, đạt 14,77% kế hoạch. Bên cạnh việc theo dõi, bám sát đồng ruộng, đảm bảo công tác xuống giống lúa ở từng địa phương đạt theo kế hoạch đã đề ra, ngành Nông nghiệp huyện cũng tiếp tục tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn nông dân chủ động chăm sóc lúa. Tích cực mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu lúa cho nông dân và  đầu tư phát triển CĐL.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)