Cần Thơ: Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

14/02/2022 - 08:35

Ngành Nông nghiệp thành phố đã quan tâm tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân lựa chọn, thực hiện các mô hình và ứng dụng các loại máy móc hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt các sở, ngành thành phố và địa phương triển khai chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình hỗ trợ của thành phố và các tổ chức quốc tế. Tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tài trợ và vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư các loại máy móc, thiết bị và cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi và đường dây điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại mô hình cánh đồng lớn của HTX Nông nghiệp Hiếu Bình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NN&PTNT) TP Cần Thơ, triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, thành phố đã có trên 210 hộ dân được vay vốn ưu đãi lãi suất với tổng số tiền hơn 84,5 tỉ đồng để mua khoảng 100 máy gặt đập liên hợp, 40 máy kéo và máy làm đất các loại. Thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND Cần Thơ ngày 3-11-2016 về Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp do các tổ chức quốc tế tài trợ, nông dân cũng được hỗ trợ kinh phí để mua nhiều loại thiết bị, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, thông qua Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai ở TP Cần Thơ, nông dân tại nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện có quy mô lớn phục vụ cả cánh đồng, đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa, máy phun hạt, xây nhà kho, lò sấy lúa, máy cuốn rơm... Đồng thời, nông dân cũng thường xuyên được tập huấn, giới thiệu về các loại máy móc, thiết bị mới và hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, cũng như thành lập các HTX và các tổ, nhóm làm dịch vụ kỹ thuật để phục vụ các dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Với nhiều nỗ lực trong thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đến nay hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất lúa tại thành phố đã được cơ giới hóa, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Đặc biệt, việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa và làm khô lúa bằng lò sấy không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí nhân công mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ hư hao, thất thoát lúa và tránh được nhiều rủi ro trong sản xuất. Đồng thời, nhờ có các máy móc cơ giới để thu gom rơm cũng đã giúp nông dân dễ dàng tận dụng được nguồn rơm rạ phụ phẩm trong sản xuất lúa để phục vụ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm rơm và nhiều hoạt động sản xuất khác. Nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập và tránh tình trạng đốt bỏ rơm trên đồng, vừa lãng phí, vừa gây tác động xấu cho môi trường.

Ông Cao Văn Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Nhiều khâu trong sản xuất lúa tại HTX đã được cơ giới hóa 100% nên nông dân đỡ vất vả, hiệu quả sản xuất lại được nâng cao và tiết kiệm được thời gian, chi phí. Đặc biệt, từ khi đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa, bình quân mỗi công lúa nông dân chỉ tốn khoảng tiền thuê máy từ 230.000-280.000 đồng, trong khi trước đây thu hoạch thủ công bằng tay phải tốn chi phí cao hơn ít nhất gấp 3 lần. Nhờ có máy gặt đập liên hợp, lúa lại được thu hoạch một cách kịp thời, tránh lúa chín để lâu trên đồng có thể bị các yếu tố thời tiết bất lợi làm cho lúa bị hao hụt và giảm chất lượng hạt gạo. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, hiện HTX cũng đã đầu tư xây dựng nhà kho, lò sấy lúa và 5 trạm bơm điện".

Hiện nay nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn trước nhờ đưa máy móc vào phục vụ làm đất, tưới nước, bón phân, phun thuốc và từng bước tự động hóa khâu tưới nước cho cây trồng bằng việc lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động và tưới thấm. Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: "HTX đang có 50 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 30ha và có thể sản xuất trên 30 loại rau màu. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng rau màu tại HTX đã được lắp đặt hệ thống tưới phun. Hệ thống này có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, giúp tưới nước cho cây một cách tiện lợi, nhanh chóng, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả và giảm chi phí".

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc ứng dụng cơ giới hóa cho một số loại cây trồng chính thời gian qua đã được quan tâm đến nay trong sản xuất lúa, hầu như 100% các khâu làm đất, thu hoạch… đã được cơ giới hóa. Các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rơm… cũng từng được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao và theo hướng đồng bộ. Nông dân cũng chú ý lựa chọn, áp dụng nhiều loại máy móc, thiết bị phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương. Một số loại cây ăn trái và rau màu cũng từng bước được thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa trong khâu tưới; một số nơi bà con cũng đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch rau màu và cây ăn trái còn hạn chế do điều kiện về công nghệ và đặc điểm phân bố sản xuất. Tới đây, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa. Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và giải pháp hiệu quả trong thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đối với lúa sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy để giảm lượng sử dụng giống, tạo tiền đề giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm rạ để hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo.

Theo Báo Cần Thơ