Chị Kim Lắm chăm sóc các chậu hoa vạn thọ, chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày cuối năm, các hộ trồng rau màu ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, tất bật chăm bón rau màu các loại, chuẩn bị bán dịp Tết. Lui cui gieo hạt bắp trên công đất mướn, anh Lê Ngọc Hùng cho biết, loại bắp dễ bán, phục vụ nhu cầu trưng bày của nhiều người theo quan niệm “chắc ăn như bắp”.
Vợ chồng anh Hùng có trên 1 công đất đang lên liếp trồng cải ngọt, rau thơm, làm giàn trồng đậu que, thu hoạch xoay vòng, tăng thu nhập. Các tháng giáp Tết, vợ chồng anh Hùng trồng thêm bắp cải, xà lách, được tiêu thụ mạnh, giá cao hơn ngày thường. Anh Hùng nói vui: “Ðám cải này trồng khoảng tháng 10 âm lịch, kịp thu hoạch và bán từ 25 tháng Chạp. Hổm rày, tôi thăm dò giá thu mua bắp cải khoảng 15.000 đồng/kg, rau thơm 30.000 đồng/kg. Hy vọng Tết năm nay tôi kiếm được khoản tiền kha khá chi tiêu, sắm sửa trong nhà”. Chị Nguyễn Thị Hạnh - vợ anh Hùng, nói: “Tết hằng năm, vợ chồng tôi tập trung trồng các loại rau ngắn ngày, bán cho thương lái từ 23 tháng Chạp. Nếu bị ép giá, tôi chịu khó đi bán lẻ tiền lời nhiều hơn”. Mỗi tháng, trừ chi phí, vợ chồng anh Hùng thu nhập từ 3-4 triệu đồng; riêng đợt Tết kiếm từ 2 triệu đồng.
Có thâm niên trồng rau bán dịp Tết, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám, ở khu vực Thạnh Mỹ, thường gieo sạ gần 2 công đất rẫy các loại cải, xà lách, ngò rí, rau thơm… ít công chăm sóc, dễ tiêu thụ, không lo lỗ vốn. Chị Hồng Nhung - vợ anh Tám, nói: “Tết năm nào, tôi cũng trồng rau màu bán cho thương lái và bán lẻ cho bà con trong khu vực, vừa chung niềm vui, vừa thêm nguồn tiền chi tiêu, mua sắm”.
Anh Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng khu vực Thạnh Mỹ, cho biết: “Mỗi dịp Tết đến, ban nhân dân khu vực luôn khuyến khích các hộ dân sống nghề trồng rau màu tăng cường trồng thêm bắp, bắp cải, xà lách, rau thơm… phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Các hội, đoàn thể tranh thủ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các hộ vay mua giống, phân, phát triển sản xuất, tăng thu nhập dịp Tết Nguyên đán”.
Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, thời điểm này, gia đình hội viên phụ nữ tranh thủ trồng cây ăn trái, rau màu, hoa; làm các loại bánh, mứt… bán, kiếm tiền xài Tết. Vườn hoa vạn thọ trước nhà chị Lê Thị Kim Lắm, ở ấp Thới Xuân, đang độ xanh tươi, vươn mình đón nắng. Chị Lắm tranh thủ ngắt đọt, bắt sâu, giúp cây khỏe mạnh, cứng cáp, ra hoa đều. Năm nay, chị Lắm trồng trên 300 chậu vạn thọ bán dịp Tết Quý Mão. Nếu như Tết năm rồi, chị Lắm mua cây giống, thì năm nay, chị áp dụng cách ươm hạt giống, thử nghiệm cách trồng hoa mới, giảm chi phí đầu vào. Chị Lắm cho biết: “Từ lúc ươm giống đến khi trồng hoa vào chậu khoảng 1 tháng. Mỗi chậu, tôi trồng 2 cây vạn thọ. Giờ đến Rằm tháng Chạp, tôi vun đất và ngắt đọt thêm lần nữa, chờ cây trổ nụ là bán được”.
Sắp xếp ngay ngắn hơn 300 chậu hoa vạn thọ trước sân nhà để tiếp thị, phục vụ nhu cầu khách vãng lai, anh Nguyễn Thanh Long, ở ấp Thới Phong B, hài lòng với quyết định thử trồng hoa bán Tết. 20 năm bôn ba làm công nhân ở xa, mỗi năm dịp Tết anh Long mới về thăm nhà. Lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Long bị mất việc, trở về quê. Trong khi chờ tìm việc làm mới, anh Long tập tành mua bán, làm việc thời vụ và trồng hoa bán dịp Tết Nguyên đán. Anh Long bày tỏ, nếu Tết này hoa bán có lãi, anh sẽ học thêm cách trồng nhiều loại hoa để bán vào dịp rằm, lễ hội…
Ðến thời điểm này, hoa tươi, rau màu đã được nhiều nông hộ các địa phương chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng phục vụ thị trường Tết. Những người nông dân chung niềm vui được mưu sinh bằng nghề truyền thống và sức lao động chân chính, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cũng như tạo động lực hoạch định hướng làm ăn khởi sắc hơn trong năm mới.
Theo Báo Cần Thơ