Cần Thơ: Vốn vay ưu đãi cải thiện cuộc sống người dân

22/08/2022 - 14:19

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Thốt Nốt, các chương trình tín dụng ưu đãi đã tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, mua bán, tăng thu nhập. Hội, đoàn thể các cấp tăng cường quản lý, hướng dẫn hội viên sử dụng, phát huy hiệu quả vốn vay cũng như nâng cao ý thức gởi tiết kiệm, tích lũy vốn…

A A

Hộ dân phường Thuận Hưng vay vốn ưu đãi mở tiệm tạp hóa, tăng thu nhập.

Với lợi thế nhà cặp tuyến tỉnh lộ 921, chị Nguyễn Thị Hồng Linh, khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa, phát triển hiệu quả nghề gia truyền chế biến và bán cá khô các loại. Được Hội LHPN phường giới thiệu vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm, chị Linh đặt mua cá, trang bị tủ đông lạnh bảo quản cá khô và vừa đặt mua máy ép bao bì, hút chân không để đóng gói sản phẩm. Theo chị Linh, mỗi ngày, chị bán khoảng 20kg cá khô, lợi nhuận từ 30.000-50.000 đồng/kg, chưa kể số lượng bán cho thực khách ngoài nước hay những dịp lễ, Tết. 

Hội LHPN phường Thạnh Hòa đang quản lý hoạt động 5 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với 282 hộ vay trên 10 tỉ đồng để làm vườn, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Hầu hết chị em vận dụng hiệu quả vốn vay, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên khấm khá.     

Hội LHPN phường Thuận Hưng đang quản lý trên 16,6 tỉ đồng, với 437 hộ vay, chủ yếu phát triển chăn nuôi, mua bán nhỏ. Chị Phan Thị Thu Hằng ở khu vực Tân Phước 1, không đất sản xuất, quanh năm bươn chải làm mướn, mua bán nuôi 4 người con ăn học. Hội LHPN hỗ trợ chị Hằng vay 45 triệu đồng mở quán nước giải khát, bán tạp hóa tại nhà. Chị Hằng nói: “Từ khi có vốn mở quán, việc mua bán thuận lợi, cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn trước. Mỗi ngày, trừ chi phí, tôi kiếm khoảng 120.000 đồng. Tôi còn học hỏi cách chi tiêu hợp lý để gởi tiết kiệm, tích lũy vốn, đầu tư mở rộng mua bán...”.  

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay toàn quận đạt 68 tỉ đồng, với 1.693 lượt hộ vay. Tổng dư nợ 11 chương trình cho vay đạt 365 tỉ đồng, với 9.748 khách hàng còn dư nợ. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể của quận đạt 353 tỉ đồng, với 212 tổ TK&VV, chiếm trên 96,7% tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn 670 triệu đồng (tỷ lệ 0,19%). Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH quận Thốt Nốt, nhận định: "6 tháng đầu năm 2022, NHCSXH quận phối hợp chặt chẽ các hội, đoàn thể nhận ủy thác, kịp thời triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng... NHCSXH quận đã giải ngân 15,4 tỉ đồng các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP gồm: 14,5 tỉ đồng cho vay giải quyết việc làm, 80 triệu đồng cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay, 860 triệu đồng cho vay nhà ở xã hội...  

Phòng Giao dịch NHCSXH quận sẽ tập trung huy động vốn theo chỉ tiêu được giao; phối hợp tuyên truyền, vận động nâng số tiền gửi và tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng qua tổ TK&VV. Đồng thời, tiếp tục cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. NHCSXH quận tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy thác và hoạt động tổ TK&VV, phấn đấu giảm 10 hội cấp phường và 28 tổ TK&VV có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5% cũng như tăng tổ xếp loại tốt, không để phát sinh tổ xếp loại yếu...

Thời gian tới, UBND quận Thốt Nốt tiếp tục chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH hỗ trợ hộ dân thuận lợi tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để tạo việc làm phù hợp, gắn kết với hoạt động tổ tín dụng, tiết kiệm và hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật; làm tốt việc kiểm tra, giám sát. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

Theo Báo Cần Thơ