Cần Thơ: Vượt gian khó, kỳ vọng gặt thành công trong năm mới

02/02/2023 - 14:59

Với sự thích ứng linh hoạt, năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Cần Thơ đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Sang năm 2023, kinh tế thế giới lẫn trong nước dự báo tiếp tục đối mặt khó khăn và diễn biến khó lường. Thực tế này, buộc DN phải nhạy bén hơn, linh hoạt hơn, phát huy nội lực, vượt qua gian khó để phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

A A

Bốc xếp gạo phục vụ những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: M.T

Những điểm nhấn

Sau 1 năm nỗ lực sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), tăng trưởng khả quan cả về doanh thu, lợi nhuận. Theo ông Ðoàn Ðình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành DHG, năm 2022, tổng doanh thu thuần toàn công ty là 4.676 tỉ đồng, đạt 111% so với kế hoạch, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận năm 2022 là 1.100 tỉ đồng, đạt 129% so với kế hoạch và tăng trưởng 27% so với năm 2021. Năm qua, DHG đóng góp ngân sách nhà nước 365 tỉ đồng (Cần Thơ là 115 tỉ đồng và Hậu Giang 57 tỉ đồng). Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/tháng. DHG còn có nhiều hoạt động hướng về cộng đồng thông qua việc dành ngân sách gần 10 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động xã hội chăm sóc sức khỏe người dân như khám bệnh phát thuốc miễn phí ở Cần Thơ và Hậu Giang, vùng sâu vùng xa và trên khắp cả nước; tặng quà, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em mồ côi; trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi ở các trường tiểu học...

Nhờ triển khai có hiệu quả các chủ điểm kinh doanh trọng tâm, năm 2022, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Cần Thơ đạt được những thành tích đáng khích lệ. Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Năm 2022, tổng quy mô tài sản tăng 13,6% so với năm 2021; dư nợ bình quân tăng 13,5% so với năm trước, đạt 104% kế hoạch được giao. Tổng quy mô tín dụng dành cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 40% tổng danh mục tín dụng; tập trung vào các DN, ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên khuyến khích như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu; chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/NÐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,14%/tổng dư nợ cho vay và đầu tư, lợi nhuận tăng 37% so với năm 2021.

Ngoài việc ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều DN còn mạnh dạn phát triển hạ tầng, mở rộng đầu tư. Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Ðô, chia sẻ: "Năm 2022, sản lượng sản xuất thép của công ty đạt 87.000 tấn; sản lượng tiêu thụ 84.500 tấn, trong đó xuất khẩu 59.000 tấn, chiếm 70%. Doanh thu cả năm đạt 1.500 tỉ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 50 triệu USD. Trong năm, công ty đã tuyển dụng mới khoảng 100 lao động là người địa phương, nâng tổng số lao động toàn công ty lên 367 người. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, song năm qua công ty vẫn đảm bảo 100% lao động đủ công ăn việc làm suốt năm. Trong năm 2022, Thép Tây Ðô còn ghi dấu ấn khi hoàn thành việc đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy luyện thép từ thép phế liệu công suất 170.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư 491 tỉ đồng".

Nỗ lực hơn trong năm mới

Bước sang năm 2023, với những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, các DN đã chủ động đề ra giải pháp để thích ứng và đạt mục tiêu đề ra. Theo DHG, năm 2023, DHG đặt mục tiêu tổng doanh thu thuần là 5.000 tỉ đồng, tăng trưởng 7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế là 1,130 tỉ đồng, tăng trưởng 3% với năm 2022. Trong năm 2023, DHG sẽ tái chứng nhận JPN GMP cho dây chuyền viên nén trần và viên nén bao phim, tiếp nhận đánh giá EU GMP cho dây chuyền viên nén và viên nang, tái đánh giá PIC/s GMP cho dây chuyền viên nén sủi bọt và thuốc bột sủi bọt. Hiện DHG đã xuất khẩu sang các nước châu Á, Trung Á, Trung Ðông , châu Âu, châu Mỹ. Trong năm 2023, DHG sẽ tiếp tục khai thác thêm doanh thu ở thị trường hiện có và mở rộng thị trường mới.

Ông Huỳnh Trung Quang, cho biết: Năm mới, công ty đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm 130.000 tấn; sản lượng tiêu thụ phôi thép và thép phế liệu 40.000 tấn; doanh thu đạt 2.500 tỉ đồng, lợi nhuận 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, phấn đấu năm 2023 sẽ tăng thu nhập cho người lao động từ 10-20% và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Về đầu tư phát triển đổi mới DN, phấn đấu đến hết quý II-2023, công ty hoàn thành việc đầu tư cải tạo nâng cấp Nhà máy Cán thép từ 120.000 tấn/năm lên 170.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng. Tiếp tục chuyển đổi số trong công tác quản lý sản xuất kinh doanh, thực hiện đổi mới DN theo hướng chuyển đổi số một cách triệt để. Xây dựng thành công mô hình sản xuất thép "xanh" theo Tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14000.

Ngoài ra, việc nâng chất sản phẩm để hướng đến các thị trường lớn, tiềm năng và mang về giá trị, lợi nhuận cao hơn cũng được các DN quan tâm đầu tư. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định: "Hướng đi của Trung An là xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính nên giá trị thu về tương đối cao. Năm 2022, công ty xuất khẩu 90.000 tấn, con số không vượt trội nhưng là hàng chất lượng cao và mang tính ổn định. Năm 2023, trong quý I-2023, công ty dự kiến xuất khẩu 30.000 tấn. Với con số khởi đầu như vậy, sản lượng xuất khẩu cả năm 2023 nhiều khả năng vượt con số
90.000 tấn.

Theo ông Phạm Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai kế hoạch xây dựng 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh phục vụ xuất khẩu. Và Công ty Trung An được chọn là mô hình mẫu để phát triển và nhân rộng với diện tích khoảng 100.000ha. Bởi công ty đã có nền tảng và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng "Cánh đồng lớn", "Cánh đồng liên kết"… Ðây là cơ hội để công ty mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển, công ty mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục sâu sát và phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng DN. Ðặc biệt là khâu cải cách hành chính để tạo thêm nhiều cơ hội cho DN trong sản xuất, kinh doanh từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Theo Báo Cần Thơ