Mặt trước khu lăng mộ Hàm Huỳnh Kỳ.
Mặt sau khu lăng mộ Hàm Huỳnh Kỳ.
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi mộ cổ này gồm 5 khối hình hộp liên hoàn nhau, mỗi khối có chiều cao khoảng 12m. Công trình này do kiến trúc sư Trần Công Quan ở Sài Gòn thời đó thiết kế.
Nhóm thợ thi công là người của tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ bấy giờ. Sau 4 năm thi công, lăng mộ hoàn thành năm 1947. Công trình được xây dựng bằng xi măng Hải Phòng cùng với nhiều gạch, ngói, gỗ quý. Ở giữa lăng là mộ phần của ông Hàm Huỳnh Kỳ, 2 bên là mộ phần 2 vị phu nhân còn gọi là bà cả và bà hai.
Mặt ngoài của các khối nhà được trang trí cầu kỳ với rất nhiều phù điêu và tranh vẽ mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau như hoa lá phương Tây cổ điển; hình tượng rồng và các linh vật trong văn hóa Việt Nam; Trung Quốc; các vị thần linh của nền văn hóa Khmer.
Điều đáng tiếc là hiện nay khuôn viên và con đường đá quý dẫn vào lăng mộ cổ đã bị phá nát, đào bới rất nham nhở.
Cạnh đó, nhiều hạng mục của lăng mộ như cột kèo bằng gỗ quý, mái ngói… đã bị kẻ gian đột nhập lấy cắp rất nhiều dẫn đến sự nhếch nhác rất đáng lo ngại. Chưa dừng lại ở đó, ngay sát lăng mộ hiện nay đang là bãi rác “khủng” với quy mô lớn của huyện Cầu Kè luôn bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng.
Hướng dẫn chúng tôi băng qua bãi rác lộ thiên đầy mùi xú uế, ông Huỳnh Châu- nguyên cán bộ huyện Cầu Kè đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống cạnh khu lăng mộ nói:
“Không hiểu sao Nhà nước lại cho làm bãi rác bao quanh khu lăng mộ cổ này. Gia đình ông Hàm Huỳnh Kỳ đang định cư ở Pháp nhiều lần về đây kiến nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm này nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Nếu cứ tình trạng này, lăng mộ này sẽ bị xóa sổ, mà nếu còn thì cũng không ai dám liều mình băng qua bãi rác khổng lồ này để tham quan”.
Rời khu lăng mộ với nhiều băn khoăn, ray rứt, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở của ông Hàm Huỳnh Kỳ tọa lạc tại thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè- Trà Vinh) cách lăng mộ ông khoảng 3km. Nhà cổ này có tuổi đời gần 100 năm (xây dựng năm 1924) vốn là một địa chỉ du lịch đối với du khách trước đây khi đến Trà Vinh.
Năm 2011, ngôi nhà này được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận là Di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, nhà cổ Hàm Huỳnh Kỳ còn là công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Trước đây, nhà cổ còn lưu giữ hơn 30 hiện vật nội thất cổ có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn thấy duy nhất chiếc tủ thờ.
Một số phù điêu tại lăng mộ.
Ông Trần Hoàng Tựu- người dân thị trấn Cầu Kè- bức xúc: “Hồi đó, bên trong nhà có rất nhiều tủ, bàn, ván ngựa, đèn cổ quý hiếm nhưng bây giờ không biết đã đi đâu. Nhà cổ này chắc sắp “tiêu” rồi!”
Ông cho biết thêm: Nhà cổ Hàm Huỳnh Kỳ chỉ mở cửa theo yêu cầu của các ngành hữu quan, nhưng lâu rồi không còn thấy nhiều người đến tham quan. Khách vãng lai chỉ đứng xem bên ngoài ngôi nhà trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Các khung cửa chính, cửa sổ đều rỉ sét; hành lang đầy rong rêu; các công trình phụ cũng xuống cấp trầm trọng… Hiện nay, dãy nhà ngói cổ nằm bên cạnh ngôi nhà cổ đang là nơi làm việc của một số cơ quan cấp huyện. Riêng ngôi nhà chính thì đang xuống cấp từng ngày, từng giờ.
Nhà của ông Hàm Huỳnh Kỳ hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là: cơ quan nào trực tiếp quản lý, bảo quản Di sản văn hóa cấp tỉnh này? Chuyện trùng tu, sửa chữa bao giờ thực hiện?
Cạnh đó, khu lăng mộ cổ với sự giao thoa độc đáo của nhiều dân tộc: Việt- Hoa- Pháp- Khmer bao giờ được xem xét, khám phá và trả lại nét nghệ thuật văn hóa vốn có trong không gian thông thoáng, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu hút càng nhiều người đến tham quan, tìm hiểu.
Theo SONG ANH (Báo Vĩnh Long)