Nhiều khó khăn
Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho biết, thời gian qua, Huyện đoàn đã tạo điều kiện cho ÐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Ðồng thời, thường xuyên phối hợp với các xã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của ÐVTN để phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, do nhiều tác động, người lao động, đặc biệt là những lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh, bị cắt giảm việc làm, cắt giảm giờ làm. Người lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, dẫn đến tình trạng họ phải trở về quê (từ đầu năm đến nay có trên 900 lao động trở về ); trong khi đó, nhiều người có tâm lý ngại đi làm xa và có dự định đợi thị trường lao động ổn định mới tiếp tục đi làm, dẫn đến nhiều trở ngại trong công tác tư vấn, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nội dung ký kết về phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ tại Hàn Quốc giữa huyện Thới Bình và chính quyền Buan (tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc) đến nay phía Hàn Quốc không có thông tin tuyển dụng và tiếp nhận lao động. Trong khi đầu năm 2023, huyện đã triển khai và đến nay có gần 100 lao động đăng ký nhưng chưa có thông tin phản hồi.
Thêm nữa, việc đào tạo nghề theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay chưa có hướng dẫn xác định lao động thuộc hộ có thu nhập thấp, do đó, hiện chỉ thực hiện đào tạo cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nên gặp khó khăn trong tuyển sinh đào tạo. Mặt khác, đa số người lao động thuộc các đối tượng này lại rất ít có nhu cầu học nghề. Trong 9 tháng năm 2023, qua triển khai, vận động lao động tham gia, chỉ đủ số lượng tổ chức 2 lớp đào tạo theo chương trình này.
Cuối tháng 8 vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau tuyên truyền - tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.
“Trước mắt, đoàn các cấp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; vận động nâng cao ý thức người dân trong việc học nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động để tạo nguồn, khi thị trường nước ngoài tiếp nhận lao động thì có sẵn lực lượng. Huyện đoàn đã kiến nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo đẩy nhanh tiến độ đào tạo cho lao động nông thôn; hỗ trợ người lao động, đặc biệt là người sau học nghề tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ở địa phương, quỹ Quốc gia về việc làm, mở rộng phát triển kinh doanh, sản xuất. Bởi, nhiều ÐVTN còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất, kinh doanh”, anh Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.
Ðể đồng hành với thanh niên
Thực tế hiện nay, các tổ chức đoàn, ÐVTN còn nhiều trăn trở, băn khoăn và mong muốn được các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương định hướng, hỗ trợ, nhất là về vốn, chính sách đào tạo, cơ hội việc làm...
Theo thống kê từ NHCSXH Chi nhánh Cà Mau, đến ngày 30/9/2023, các cơ sở đoàn ký hợp đồng uỷ thác với NHCSXH tổng dư nợ trên 695 triệu đồng, với 481 tổ tiết kiệm vay vốn (hơn 24.400 hộ tiếp cận). Tuy nhiên, so với các hội, đoàn thể khác như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh thì số vốn vẫn còn rất khiêm tốn.
So với các Hội, Đoàn thể khác số vốn và số lượng Đoàn Thanh niên vẫn còn rất khiêm tốn. (Minh hoạ Lê Tuấn)
Anh Nguyễn Ngọc Thuận, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, thông tin, mặc dù đã qua, tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, kể cả các nguồn vốn từ Trung ương Ðoàn còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, đã được kiến nghị các cấp nhưng vẫn khó.
Do đó, giải pháp cơ bản là đoàn bộ các cấp triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng chương trình “Ðồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Cụ thể, 9 tháng qua, các cấp bộ đoàn hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng; phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 124 bộ đội xuất ngũ; hướng nghiệp, giới thiệu việc làm để rà soát nhu cầu cho các anh tham gia vào các nhà máy, xí nghiệp trong cả nước và xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó còn phát triển mô hình kinh tế, như nuôi lươn, làm cổng cưới truyền thống bằng lá dừa, trồng màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá đồng, nuôi ốc bươu đen, làm khô bổi thương phẩm, nuôi chồn hương, kinh doanh tạp hoá... Kết quả, phát triển được 8 mô hình hỗ trợ thanh niên với hơn 26 ÐVTN tham gia (thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm); có 13 chi đoàn đã gây quỹ hùn vốn giúp nhau lập thân, lập nghiệp từ 3 triệu đồng trở lên, với tổng số quỹ tính đến nay hơn 339 triệu đồng.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã duy trì hiệu quả mô hình “Cửa hàng Thanh niên”, trang website: sanphamthanhniencm.vn và “Cà phê thanh niên khởi nghiệp”; tham gia hoạt động trưng bày, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm thanh niên của tỉnh tại các tỉnh bạn... Qua đó, đã tạo thêm cơ hội, điều kiện để giải quyết vấn đề về đầu ra cho sản phẩm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà và góp phần hỗ trợ ÐVTN trong hành trình khởi nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Mô hình “Cửa hàng Thanh niên” góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ cho ÐVTN trong hành trình khởi nghiệp.
Có thể thấy, chương trình “Ðồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” sẽ góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập nghiệp; các cấp bộ đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Ðoàn, trong đó, tiếp tục chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế.
Ðể làm được điều này, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của ÐVTN về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò, vị trí, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ðồng thời, nghiên cứu, góp ý điều chỉnh, bổ sung, đề xuất các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh theo đối tượng, vùng miền. Ðặc biệt là các giải pháp thiết thực, chính sách ưu đãi về vốn tín dụng, lãi suất và thủ tục vay, các dự án công nghệ số tiềm năng. Cần phải chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.
Theo BĂNG THANH (Báo Cà Mau)