Cũng như các tỉnh phát triển nuôi tôm ven biển vùng ĐBSCL, tỉnh Cà Mau phổ biến nuôi quảng canh. Khoảng năm 2010 đến nay, bà con bắt đầu chuyển nhiều sang nuôi bán thâm canh, thâm canh.
Sau nhiều năm canh tác liên tục, những hạn chế của mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu bộc lộ. Trong đó, vấn đề môi trường bị ô nhiễm đã làm nhiều hộ nuôi liên tục thất bại, tỷ lệ thành công ngày càng giảm.
Và mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được thí điểm để khắc phục những hạn chế đang tồn tại. Ban đầu mô hình được một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm, sau đó được nhân rộng ra người dân.
Nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi vốn rất lớn. Nếu đầu tư mới và bài bản, cần khoảng 1 tỉ đồng cho 1 ha nuôi. Về kỹ thuật cũng đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt.
Trong đó, riêng hệ thống ao cũng phức tạp hơn bình thường rất nhiều, gồm: ao cấp nước, ao lắng, ao vèo, ao nuôi và ao xả thải. Nếu diện tích đầu tư là 1 ha, diện tích ao nuôi tôm chỉ chiếm từ 0,2 - 0,3 ha.
Đúng quy trình, nước sẽ được tuần hoàn. Sau khi nước được xử lý ở ao cấp và ao lắng sẽ được đưa vào ao vèo và ao nuôi. Thời gian vèo tôm giống khoảng 20 – 30 ngày, rồi chuyển sang ao nuôi. Sau khi nuôi xong nước được đưa sang ao xả thải để xử lý rồi trở lại ao cấp nước.
Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ thả nuôi lên tới vài trăm con/m2. Những công nghệ tiên tiến được áp dụng từ máy móc đo các chỉ số môi trường, tạo ô-xy và cho tôm ăn cũng đã có máy tự động.
Mỗi vụ tôm thành công người dân có thể thu 10 – 15 tấn tôm. Mỗi năm có thể thả nuôi từ 3 – 4 vụ và có thể đạt năng suất bình quân 50 – 60 tấn/ha/năm. Cao hơn khoảng 10 lần so với ô hình nuôi thâm canh.
Do nuôi theo quy trình bài bản nên sản phẩm mô hình siêu thâm canh tạo ra cũng thường được đánh giá cao hơn. Thương lái đến tận ao thu mua rồi cho tôm thở ô-xy để đưa về nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn Cà Mau bên cạnh các doanh nghiệp, có hàng trăm hộ dân thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh. Tập trung nhiều tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân...
Nhiều người nuôi tôm siêu thâm canh xem việc nuôi tôm như "canh bạc" cuộc đời. Thành công họ trở thành tỉ phú nhưng thất bại, họ mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí tán gia bại sản chỉ sau 1 vụ nuôi.
Chắc chắn 1 điều, không phải ai cũng có điều kiện đầu tư và không phải ai cũng đủ trình độ để nuôi tôm siêu thâm canh. Nếu không đảm bảo điều kiện mà nuôi sẽ rất dễ thất bại và còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hộ nuôi khác.
Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau thực hiện siết chặt quản lý thực hiện mô hình này. Nếu gia đình nào không đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tuyệt đối không cho phép nuôi tôm siêu thâm canh.
Theo Báo Cần Thơ