Trước năm 1990, ở Cà Mau sản xuất nông nghiệp mang tính chủ lực. Ðể giữ nước ngọt cho ruộng lúa, cá đồng, vào mùa khô bà con nông dân phải đắp đập để ngăn chặn nước mặn xâm nhập. Vì các đê bao chủ yếu đắp đất nên xuồng ghe qua lại có thể dùng sức người kéo qua tương đối dễ dàng. Sau năm 1990, tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các huyện tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng cống thời vụ và các con đập kiên cố, từ đó xuồng ghe qua lại các cống, đập khó khăn. Theo đó, cầu kéo bắt đầu xuất hiện từ sáng chế của nông dân.
Theo ông Sử Văn Minh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Cà Mau có hệ thống sông, rạch đan xen, cống đập vô số nên khi xây dựng cống thời vụ để giữ ngọt sản xuất nông nghiệp đã làm cho việc đi lại bằng phương tiện thuỷ gặp rất nhiều trở ngại. Lúc đầu, bà con đi xuồng qua lại thường nhờ người dân sống gần đó, hoặc đợi xuồng khác đến hỗ trợ đẩy qua đập. Còn đò vận chuyển hành khách thì chủ đò phải trang bị 2 phương tiện, 1 phương tiện đưa rước khách tại bến và khi đến đập thì chuyển khách qua phương tiện bên kia đập để đi tiếp.
"Cái khó ló sáng kiến", có nơi nghĩ cách dùng dây móc xuồng kéo lên cao đưa qua (qua hệ thống ròng rọc), nhưng cách làm này cũng tốn nhiều công và thiếu an toàn. Từ mô hình cầu kéo đưa xuồng qua đập Hai Hạt (thuộc xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) của 2 “kỹ sư chân đất” là Hai Ô Rê (Ðặng Ô Rê) và Ba Quân (Nguyễn Văn Quân) ở các đập trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bắt đầu xuất hiện các cầu kéo, vừa gọn nhẹ lại đảm bảo an toàn.
Cầu kéo ghe xuồng qua đập là sáng chế độc đáo của nông dân Cà Mau, từng lọt vào top 5 của Chương trình Nhà sáng chế năm 2013. (Ảnh chụp ở cống Kinh Tư, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời).
“Hệ thống cầu kéo gồm có đường ray là 2 thanh thép, được bắc kiên cố, vắt song song ngang qua con đập và 2 đầu nằm lọt thỏm dưới nước (tuỳ điều kiện thực tế mà người ta thiết kế chiều ngang, dài cho hợp lý). Trên đường ray có tấm bệ được làm bằng gỗ, gắn bánh trượt, ăn khớp với bên dưới. Tấm bệ này cũng được đấu nối dây thừng vào trục kéo vận hành bằng máy nổ. Mỗi khi có ghe xuồng qua lại, chủ cầu kéo nổ máy hạ trục đưa tấm bệ xuống sát mặt nước để ghe xuồng chạy thẳng lên tấm bệ, cứ thế nâng trục kéo đưa phương tiện sang phía bên kia đập”, ông Minh kể chi tiết về thiết kế và cách vận hành cầu kéo.
Có thể nói, những năm 1990 là thời kỳ “hưng thịnh” đối với những người kinh doanh loại hình cầu kéo (hay nói cách khác là làm nghề đẩy xuồng qua đập). Bởi, thời điểm đó hầu hết lộ làng ở nông thôn chỉ là đất đen, ghe xuồng là phương tiện gần như duy nhất đối với bà con nông dân. Hằng ngày, ở các cầu kéo đều có hàng trăm lượt ghe xuồng qua lại.
Song, giữa những năm 2000, nhiều tuyến giao thông nông thôn bắt đầu bê tông hoá, bà con có điều kiện đi lại bằng đường bộ. Thêm nữa, bấy giờ nhiều địa phương trong tỉnh chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm nên các cống không còn đóng nữa, xuồng bè lưu thông không còn cản trở nên nghề đẩy xuồng giảm thu nhập.
Từ năm 2010, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đường nông thôn được nâng cấp mở rộng và bê tông hoá nối liền xóm ấp, phương tiện cơ giới đường bộ khu vực nông thôn tăng nhanh, phương tiện thuỷ nội địa giảm dần, các điểm cầu kéo rơi vào cảnh vắng khách. Không ít người đã bỏ nghề, tìm công việc mới, hoặc đi lao động trong và ngoài tỉnh.
Cầu kéo bây giờ vắng vẻ phương tiện thuỷ nội địa, chủ yếu phục vụ ghe xuồng vận chuyển hàng hoá, mà lượt qua lại rất ít. (Ảnh chụp ở cống Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời).
Anh Phạm Trọng Nguyễn, chủ cầu kéo ở cống Kinh Hội, xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời), bộc bạch: “Khoảng năm 2006, khi cống Kinh Hội xây dựng hoàn thành thì Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh cũng xây dựng hệ thống cầu kéo cặp bên cho người dân địa phương thuê bằng hình thức đấu thầu và tôi đã trúng thầu. Lúc này, lộ làng nông thôn chưa liền lạc nên lượng xuồng ghe qua lại đập còn đông, tôi phục vụ gần như xuyên suốt ngày đêm. Từ năm 2015, đường thuỷ không còn là tuyến giao thông chủ yếu, ghe xuồng đến cầu kéo thưa dần. Hiện tại, cầu kéo chỗ tôi chỉ làm việc buổi sáng vì chiều đến tối không có phương tiện qua lại. Mỗi ngày phục vụ không quá 20 lượt, chủ yếu là xuồng ghe chở hàng hoá. Vì đang là nhân viên hợp đồng quản lý cống Kinh Hội, một công hai việc nên tôi cũng ráng tiếp tục phục vụ cầu kéo, nếu không tôi cũng bỏ nghề này”.
Ông Ngô Hoàng Ân, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, cho biết: Ðến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 11 điểm cầu kéo, hầu hết chỉ hoạt động vào mùa khô vì mùa mưa các cống thuỷ lợi mở xả nước, theo đó ghe xuồng cũng thuận tiện lưu thông. Hiện Trung tâm đã khảo sát hoạt động thực tế ở các cầu kéo và đang tính toán mức giá cho thuê hợp lý hơn, sao cho hài hoà giữa thu và chi để người thuê tiếp tục công việc này, nhằm duy trì nét đặc trưng độc đáo giao thông thuỷ nội địa của người dân nông thôn nơi cực Nam Tổ quốc./.
Theo MỸ PHA (Báo Cà Mau)