Vợ chồng anh Cần, chị Lẹ chăm sóc vườn nho.
Vườn nho của vợ chồng anh Cần cách thị trấn Ngan Dừa, trung tâm của huyện Hồng Dân chừng 1 cây số, ngăn cách bởi kênh xáng Ngan Dừa. Vợ chồng anh Cần đều công tác ở cơ quan nhà nước, lấy chuyện trồng trọt, nông nghiệp làm vui ai ngờ “làm chơi ăn thiệt”. Anh Cần kể, nhiều lần đi du lịch Ninh Thuận, thấy những vườn nho xanh tốt, đẹp mắt, anh Cần nung nấu ý định sẽ cho loài cây này bén rễ ở vùng đất Hồng Dân. Nghĩ là làm, hơn một năm trước, anh Cần đã tạo dựng vườn nho hơn nửa công đất và giờ đang mở rộng ra thêm chừng hơn 1 công đất.
Lúc mới đem nho giống về trồng, nhiều người chỉ cười, cho rằng vợ chồng anh Cần “làm chuyện thất công”. Mảnh đất Lộc Ninh và rộng ra nhiều xã nữa của huyện Hồng Dân như Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A (quê hương của danh xưng “Đồng Chó Ngáp”), Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A… vốn là vùng đất phèn mặn, thích hợp với nuôi tôm, hoặc trồng một số loài cây như mãng cầu, khóm… Để cây nho phát triển xanh tốt ở xứ sở này tưởng như “không tưởng”. Vậy nhưng anh Cần và chị Lẹ đã làm được.
Hôm chúng tôi đến, chị Lẹ đang thu hoạch nho để giao cho khách. Những chùm nho trĩu cành, chín đỏ, mọng nước nhìn rất đẹp mắt. Thử ăn, nho ở đây cho trái ngọt, ăn giòn và hạt rất nhỏ. Chị Lẹ cho biết: Đây là vụ thu hoạch thứ 3 của vườn nho. 2 vụ trước, vườn nho cũng cho trái bội thu. Với giá bán 70.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với nho Ninh Thuận bán tại miền Tây, nhưng nho của vợ chồng anh Cần vẫn không đủ bán vì chất lượng tươi ngon.
Anh Cần thông tin: Nho trồng ở Hồng Dân lúc đầu tưởng khó nhưng khi đã nắm được các đặc tính của cây thì cũng dễ làm. Do nho thích hợp với đất cát tơi nên khi trồng phải đảm bảo xử lý tạo độ tơi xốp cho đất. Nho trồng phải ở nơi thoáng đãng, không có bóng râm, rập. Miền Tây có mùa mưa khá dài, khác với Nam Trung bộ nên anh Cần khắc phục bằng cách che mái che toàn bộ diện tích nho để tránh mưa dầm làm trái bị lạt, nứt hoặc nấm xâm nhập.
Anh Cần còn nhập nho giống về để bán cho khách tham quan và bà con muốn thử nghiệm loài cây này. Vợ chồng anh cũng đang thử nghiệm tự ghép bo nho ăn trái trên gốc nho rừng, bước đầu tỷ lệ thành công tương đối cao. Ngoài ra, vườn nho còn có những chậu bonsai nho với giá bạc triệu nhưng khá hút hàng bởi sự kỳ công, đẹp mắt và lạ lẫm với người dân vùng này. Tùy theo tán, nhánh và sức khỏe của bonsai nho mà anh Cần để trái số lượng thích hợp để giữ sức khỏe cho nho.
Hiện nay, vợ chồng anh Cần đón khách đến tham quan hoàn toàn miễn phí với mong muốn quảng bá sản phẩm du lịch. Hằng ngày có nhiều đoàn khách đến đây khám phá, chụp ảnh. Gặp một đoàn khách là học sinh Trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) đến vui chơi, các em rất hào hứng với những chùm nho trĩu cành. Em Tiêu Uyển Đình, học sinh lớp 10, cho biết: “Em chưa được đi Ninh Thuận và đây là lần đầu tiên em thấy cây nho với những trái nho lủng lẳng trên cành. Rất thú vị và đẹp”.
Đôi vợ chồng trẻ này rất tâm huyết mang những giống cây mới về cho bén rễ trên mảnh đất phèn mặn quê nhà. Tiêu biểu là họ đang thử nghiệm trồng nho hạ đen không hạt, một giống nho quý, giá trị kinh tế cao. Hay là măng tây, sung Mỹ… những giống khó trồng, nhất là ở vùng chua phèn, nhưng lại đang cho thu hoạch qua bàn tay chăm sóc của anh Cần, chị Lẹ. Đôi vợ chồng trẻ tâm sự, họ sẽ mở rộng quy mô thêm nữa để làm du lịch, vừa giúp sản vật quê nhà thêm phong phú, vừa cải thiện kinh tế gia đình.
Theo ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)