Chàng trai 9X đam mê nghiên cứu văn hóa xưa

03/07/2020 - 10:10

Trong lúc các giá trị văn hóa xưa đang dần mai một thì vẫn có những người ngày ngày ra sức gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đó là anh Lê Hoàng Phúc (SN 1995), ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng rất đam mê nghiên cứu văn hóa xưa, đặc biệt là văn hóa Nam bộ.

Ông Lê Hoàng Lâm (bác năm) hơn 40 năm tìm tòi, nghiên cứu về nhạc lễ, đờn ca tài tử, là người đã truyền lửa đam mê cho anh Phúc ngay từ khi còn nhỏ

Bộc lộ đam mê từ nhỏ

Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh là sự hiền lành, dáng người cao ráo, giọng nói trầm và cách nói chuyện có phần già dặn so với tuổi của mình. Rót ly trà mời khách, chàng trai trẻ bắt đầu câu chuyện về cơ duyên đến với niềm đam mê nghiên cứu văn hóa xưa. Từ nhỏ, anh đã được gia đình giáo dục về những lễ nghi, phong tục truyền thống của người miền Nam từ những việc nhỏ nhặt như cách đi, đứng, ăn, nói.

Được biết, ngay từ bé, chàng trai này đã bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với văn hóa xưa. Ở cái tuổi lên 5, bạn bè cùng trang lứa bị thu hút bởi các trò chơi dân gian như ô ăn quan hay thả diều thì Phúc lại tò mò về các loại nhạc cụ, mỗi khi các thành viên trong gia đình quây quần trò chuyện, tập nhạc là anh lại “sáp vào”.

Anh Lê Hoàng Phúc cho biết: “Hồi nhỏ, mỗi khi gia đình thực hiện các nghi thức cúng tổ tiên là tôi đứng nép ở một góc để xem, hôm nào, bác năm tập đờn tôi cũng ngồi nghe. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một đứa trẻ lên 5 thì tôi chưa thể hình dung được thế nào là lễ nghi, phong tục truyền thống, thế nào là cái hồn của nhạc cụ dân tộc, chỉ biết lúc đó bản thân rất thích và bị thu hút bởi tiếng đờn và các buổi trò chuyện về văn hóa xưa”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, anh luôn miệng nhắc về bác năm. Theo lời anh Phúc, bác năm là người thầy đầu tiên đã nhen nhóm “ngọn lửa đam mê” cho anh. Theo thời gian, từ những điều được dạy dỗ, chứng kiến, rồi những lần theo chân bác năm đi biểu diễn đã góp phần “nung nấu” niềm đam mê nghiên cứu nhạc lễ và đờn ca tài tử (ĐCTT) của chàng trai 9X này. 

“Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu được gia đình cho đi học bài bản về ĐCTT. Năm 14 tuổi, học nhạc lễ. Song song với việc đến lớp, tôi học hỏi từ người thân, những người đi trước, học qua Internet và sách. Thú thật, càng tìm hiểu kỹ những quyển sách của GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, tôi càng yêu văn hóa xưa nhiều hơn” - anh Hoàng Phúc nói.

Anh Lê Hoàng Phúc sử dụng thông thạo hơn 10 loại nhạc cụ

Học hỏi cái cũ - Trao dồi cái mới

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa xưa, điều khiến chàng trai 9X này trăn trở nhất là đa số người trẻ hiện nay ít quan tâm đến lễ nghi, phong tục truyền thống; một bộ phận giới trẻ “mê” văn hóa phương Tây, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang dần bị lãng quên. 

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, vẫn còn nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê như anh Phúc. Được thành lập cuối năm 2017, tại TP.HCM, Đại Nam hội quán là nơi để mọi người giao lưu, chia sẻ về văn hóa xưa. Đại Nam hội quán có hơn 20 thành viên chủ chốt, đa phần là các bạn 9X. Anh Phúc cũng là một trong các thành viên chủ chốt của hội quán, là người đứng đầu phụ trách nội dung phần nhạc lễ.

“Đại Nam hội quán giới thiệu về văn hóa xưa qua các bài viết trên mạng xã hội. Ngoài ra, Đại Nam hội quán còn họp định kỳ để trao đổi, chia sẻ kiến thức; tổ chức các chuyến đi tỉnh để tìm hiểu về lối sống, văn hóa của người dân. Từ những trải nghiệm thực tế, tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nhất là về nhạc lễ”.

Nhờ tìm tòi, nghiên cứu, hiện tại, chàng trai trẻ này đã sử dụng thông thạo hơn 10 loại nhạc cụ: Đàn cò, đàn sến, đàn tranh, đàn bầu, guitar,… Mỗi khi tiếp xúc với loại nhạc cụ nào, anh đều nghiên cứu âm sắc, cách chơi, tính năng của chúng. Theo anh, mỗi loại nhạc cụ có cách thổ lộ tình cảm riêng và mang những “sứ mệnh” khác nhau trong việc dẫn dắt, khơi gợi cảm xúc của người nghe. 

Anh Hoàng Phúc tâm niệm: “Học hỏi cái cũ, trau dồi cái mới để mới - cũ dung hòa, trước sau gắn kết"

Năm 2015, anh Phúc bắt đầu tham gia giảng dạy về âm nhạc cổ truyền, ĐCTT, tân nhạc cho những ai có niềm đam mê. Chàng trai 9X mê nghiên cứu văn hóa xưa hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Acoustic tại TP.Tân An. Được biết, CLB hiện có 12 thành viên, đa số mọi người đều biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như piano, guitar, violon, trống,... Mỗi tối thứ bảy, CLB sẽ tập trung tại quán cà phê My Station tọa lạc số 17, đường Hùng Vương, phường 2, TP.Tân An để sinh hoạt và biểu diễn phục vụ người yêu nhạc từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ. 

Anh Hoàng Phúc tâm niệm: “Học hỏi cái cũ, trau dồi cái mới để mới - cũ dung hòa, trước sau gắn kết. Vì vậy, đam mê nghiên cứu văn hóa xưa không có nghĩa là bản thân không tiếp thu những cái mới, cái hiện đại. Thời gian qua, từ các buổi sinh hoạt của CLB, tôi có cơ hội gặp gỡ thêm nhiều người có cùng đam mê tìm hiểu văn hóa xưa”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh hy vọng niềm đam mê của mình sẽ góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa xưa đến với cộng đồng. Đặc biệt, Long An sẽ có thêm nhiều địa điểm để những người đam mê nghiên cứu văn hóa xưa có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Theo NGUYỄN DUNG (Báo Long An)