Chàng trai trẻ viết nhật ký cho màu xanh của quê hương

05/05/2019 - 11:10

Từ buổi gặp gỡ đầu tiên với chàng trai trẻ Võ Văn Tiếng tại “Phiên chợ xanh tử tế 2016” ở Hà Nội, vượt chặng đường hàng ngàn cây số, cuối cùng, tôi đã có cơ hội thực sự chiêm ngưỡng Nông trại Tâm Việt - không gian 41 ha làm lúa sạch, gạo sạch của “chú ngựa ô can trường” này.

“Ngựa ô can trường” cũng là tên bên hướng đạo sinh đặt cho chàng trai 9x Võ Văn Tiếng, người kiên trì tới cùng với lúa sạch, gạo sạch.

Võ Văn Tiếng chạy máy cày trên cánh đồng của mình (Ảnh: HNV)

Từ TP Cao Lãnh về Hồng Ngự, Đồng Tháp, mất khoảng 1 giờ đồng hồ chạy ô tô, dọc theo đường bờ đê, đến với Nông trại Tâm Việt, chỉ thấy ông chủ trẻ còn đang bận chạy máy cày… Tiếng máy cày ồ ồ, rầm rập quay đều trên cánh đồng, chạy theo đường cày là những chú chim, cò bắt cá và xa xa là những cánh đồng trải dài tít tắp tới tận chân trời.

Đợi chạy hết vòng cày, vẫn còn lấm len bùn đất khắp người, Tiếng đưa tôi đi thăm quan nông trại và say sưa kể về những dự định của mình với sản xuất lúa sạch, với mô hình kết hợp du lịch sinh thái, du lịch xanh có trách nhiệm ngay chính nông trại Tâm Việt và xa hơn cả là nhân rộng những cánh đồng sản xuất lúa sạch, không dùng bất cứ hóa chất nào trên đồng ruộng. Ở đó, Tiếng có thể đầu tư hệ thống máy móc kiểm tra, xác định chất lượng cây lúa, hạt gạo ở mức độ nào thì tương đương với giá trị ở mức độ đó. Nghĩa là, phân loại sản phẩm theo mức độ và càng ở mức độ cao, giá cả sản phẩm cũng tương xứng với giá trị cao đó, từ đó càng động viên, khuyến khích người nông dân hướng tới sản xuất chất lượng.

Những ngày đầu năm 2019 này, Nông trại Tâm Việt đã bước sang mùa hoa lúa thứ sáu với thương hiệu gạo “Tâm Việt” cứ ra mẻ nào là tiêu thụ hết mẻ đó. Bây giờ, Tiếng chỉ ao ước gặp được đối tác cùng chí hướng để mở rộng quy mô. “Em chỉ muốn tìm đối tác chứ không muốn tìm nhà đầu tư…” - Tiếng tâm sự.

“Thực ra về mặt pháp lý, chính sách, em thuận lắm, việc mướn đất làm ruộng, chính quyền xã hỗ trợ tích cực, em cần vùng đất với bao nhiêu đất, nói với xã thì họ sẽ tạo điều kiện. Chỉ khó khăn bất cập về vốn tài chính thôi. Thêm nữa, tìm đối tác cũng rất vất vả, khó khăn để thuyết phục họ làm theo mình” – Tiếng trải lòng.

Một góc của Nông trại Tâm Việt (Ảnh: HNV)

Hiện nay, khó khăn nhất của Tiếng vẫn là nguồn vốn, Tiếng cũng không thể vay từ ngân hàng vì không có thế chấp. Hiện, ông chủ trẻ đang ấp ủ lên kế hoạch mở rộng quy mô lên tầm 200-300ha. Quy mô này đòi hỏi khoảng 20 tỷ đồng đầu tư và Tiếng vẫn đang trên hành trình tìm kiếm đối tác. Tiếng nhấn mạnh “Em muốn tìm kiếm đối tác chứ không phải nhà đầu tư vì chỉ như thế hai bên mới cùng bình đẳng. Chứ nếu đầu tư, cơ bản họ sẽ coi trọng lợi nhuận và áp đặt lên công việc của mình. Nếu mình không làm theo nhà đầu tư thì sẽ dẫn tới va chạm mà làm theo thì sẽ ảnh hưởng tới cân bằng hệ sinh thái” – Tiếng trăn trở.

Nhật kí ngày thứ 7 của lúa Tâm Việt: Lúa hôm nay được ngày thứ 7 rồi, được 4 lá và cao 6cm, bộ rễ bám rất sâu nhổ lên bị đứt rễ. Lúa rất tốt và khoẻ!

… Nhật kí ngày thứ 3 của lúa: Hôm nay lúa đã nảy mầm nếu tính đầy đủ thì lúa hôm nay được 3 lá mầm và 7 cọng rễ…

Lúa hôm nay là ngày thứ 4 rồi bắt đầu xám đất…

Gặp gỡ, tiếp xúc rồi theo dõi trang tin cá nhân trên mạng xã hội của Võ Văn Tiếng, rất dễ nhận thấy ở chàng trai giản dị ấy một tấm lòng ấm áp và một tình yêu bao la với nông nghiệp tự nhiên mà cụ thể là lúa, gạo tự nhiên.

Hiếm có chàng trai 9x nào sẵn sàng lăn xả trên đồng ruộng như Tiếng. Chàng trai ấy chẳng nề hà bất cứ việc gì và gần như mọi tấc đất, thửa ruộng, mọi con nước nơi này đều gắn với bàn tay của Tiếng. Tiếng tẩn mẩn, tỉ mỉ viết nhật ký từng ngày kể từ khi cày cấy, gieo mạ rồi hồi hộp chờ đến lúc từng bông lúa trổ bông, ra hoa. Ai mà có thể tin được, một chàng trai lại có thể viết ra những dòng chữ thơ và tình đến thế này: “Hoa lúa chỉ nở có mấy tiếng đồng hồ. Chỉ có mấy tiếng đong đưa, mấy tiếng để khoe, mấy tiếng để hoàn thành nhiệm vụ duy trì nòi giống. Mấy tiếng ngắn ngủi đó thôi mà quyết định cả một mùa đói no… Như nuôi đứa con gái, con trai chăm bẵm, dạy dỗ tới lúc khai hoa, trưởng thành là dựng vợ gả chồng. Buồn vui, sướng khổ ít nhiều phúc đức trời cho, còn lại chủ yếu tự bản thân. Đời lúa - đời người, không biết có phải gắn bó với nhau quá mà giống nhau đến lạ!” Rồi: “Một bông lúa tự nhiên thường sẽ có 7 phần hạt chắc, 3 phần hạt lép. Một cánh đồng tự nhiên cũng sẽ 7 phần chắc, 3 phần lép. Bởi cuối cùng cho dù có vênh vang thế nào, bông lép rồi cũng sẽ phải tự khô đi, bông nào chắc dù có phải oằn lưmg chịu nặng nhưng cuối cùng sẽ để lại cho đời sau những gì tốt nhất. Đó là cách mà tự nhiên chọn lọc…”

“Thiên nhiên hay lắm chị ạ!” – Tiếng quay sang cười thật hiền với tôi. “Tự nhiên luôn ban tặng thêm năng lượng cho cánh đồng đầy niềm tin màu xanh phía trước. Đó là màu xanh hy vọng đã nuôi dưỡng trong những năm qua - những màu xanh của quê hương” - Tiếng chia sẻ.

Khu vực 2ha lúa ban đầu Tiếng nhận từ bố mẹ sau thời gian thử nghiệm thành công, em đã đưa lại cho bố mẹ canh tác, giờ Tiếng làm ở diện tích 41ha đi thuê này cũng bước sang năm thứ ba.

Võ Văn Tiếng trên cánh đồng xanh sạch của Nông trại (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau hơn 2 năm, từ lúc cái gì cũng mới mẻ, vất vả và tính toán nhiều, về sau, Tiếng đã đúc rút kinh nghiệm để mô hình bảo đảm hơn. “Thực ra, khi bắt đầu với 2ha, em nghĩ đơn giản lắm, không nghĩ tới mở rộng kinh doanh, rồi triển khai tài chính ra sao. Mới đầu khi mở rộng, em cũng hơi ngợp, nhưng rồi sau va chạm thực tế dần dần đúc rút, công việc của Nông trại cũng dần đi vào quỹ đạo và có nề nếp hơn” – Tiếng kể.

Hiện, Tiếng có cửa hàng Tâm Việt ở TP Hồ Chí Minh, ngoài ra, gạo Tâm Việt được phân phối ở Hà Nội qua đại lý Tâm Đạt  và cửa hàng Vita Mart tại Đà Nẵng. “Gạo Tâm Việt hiện không đủ hàng để cung, gần như sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Sản lượng ra, bán chỉ khoảng 1 tháng là hết. Đơn cử như Tâm Đạt ở Hà Nội có thể bán được rất nhiều nhưng Nông trại chỉ cung ứng được 1/3 sản lượng thôi. Lượng khách hàng trực tiếp của Tâm Việt cũng khá nhiều, cứ có gạo ra là họ đặt ăn 6 tháng” – Tiếng cho hay.

Cả quy mô 41ha, ngoài trồng lúa, Tiếng còn nuôi cá tra, thả vịt, trồng sả lấy tinh dầu. Hiện, Tiếng đang đầu tư mua máy sấy ấp trứng để chủ động giống vịt với quan điểm “thay vì đầu tư nhiều lần thì đầu tư luôn một lần”. “Trước đầu tư cho đàn vịt, em phụ thuộc vào nguồn giống từ trại giống quá, lại biến động giá cả thị trường, tăng chi phí cao… Do đó, thay vì mua từ trại giống, từ 2019, em sẽ đầu tư chủ động nguồn giống. Hay trồng sả, em kết hợp làm hàng rào bảo vệ ruộng lúa đồng thời lại cung ứng sả cho một người chị ở TP Hồ Chí Minh chuyên sản xuất tinh dầu sả” – Tiếng kể.

“Ở đây, em không dùng hóa học hay bất cứ chất sinh học gì đâu, tất cả em dựa vào thiên nhiên và mượn chính vật lực từ thiên nhiên để bảo vệ ruộng lúa của mình, có cò và nhiều loài chim, có vịt, có cá tự nhiên… tất cả đều bảo vệ cho ruộng lúa của em” – Tiếng phấn khởi khoe với tôi.

Khu vực 41ha hiện nay, Tiếng thuê trong thời gian 5 năm và đang bước vào những ngày đầu của năm thứ ba. “Sau 5 năm, nếu những người nông dân chủ đất ở đây muốn làm thì em sẽ mua gạo theo kiểu chất lượng. Nói cách khác, họ nhận làm thì em sẽ chuyển giao và mua gạo cho họ, còn không thì em chuyển sang vùng mới…”

“Em thích tiếp cận với phong cách sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản, mặc dù chưa từng thực tế thăm quan, em chỉ mới đọc được thông tin về việc họ có một làng chuyên sản xuất lúa, gạo, có Hợp tác xã (HTX) có nhà máy chế biến, có kho hàng. Ở đó, HTX liên kết với nông dân trong vùng, sản xuất theo mô hình HTX đưa ra và chủ động sản phẩm của mình, có thể bán gạo, bán lúa… cho HTX, trước khi người nông dân bán sẽ gửi mẫu test cho HTX để xem ở mức nào – cao, trung bình, thấp. Sau đó, căn cứ vào chất lượng mà có giá cả tương ứng. Từ đó, người nông dân sẽ trách nhiệm hơn trong sản xuất và sử dụng các chất hóa học. Em cũng muốn làm một mô hình như vậy, mình hợp tác với nông dân, cho họ sản xuất bình thường, khi có sản phẩm, thử mẫu test ở mức nào có giá tương ứng như thế, chất lượng càng cao, giá tiền càng cao, như vậy, dần dần họ sẽ hướng tới sản xuất gắn với giá trị cao hơn. Em tin ở việc phát triển của mô hình 200-300ha tới đây” – Tiếng bày tỏ.

Chỉ có vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi thăm quan rồi trò chuyện với Tiếng, câu chuyện của chúng tôi cứ miên man không có hồi kết. Mừng cho Tiếng vì em quyết tâm đến cùng với đam mê của mình và phấn khởi vì quyết tâm của em, hy vọng, dự định, đam mê của em sẽ ngày càng “đơm hoa, kết trái” theo hướng lớn hơn, rộng hơn.

 Võ Văn Tiếng (Sinh năm 1991), xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sau ngày xuất ngũ, Tiếng lên Sài Gòn vừa làm vừa đi học với ý định đổi đời, nhưng trải qua mấy năm “mài sách” ngành Công nghệ thông tin, Du lịch, Tiếng bỏ dở... Tiếng đi chơi từ Nam ra Bắc, thấy và biết nhiều thứ, trong đó thông tin có không ít cá, thịt, lúa, rau… bẩn làm Tiếng suy nghĩ nhiều. Tiếng đặt câu hỏi vì sao mình không trồng lúa sạch? Vì cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn người Việt? Và năm 2014, Võ Văn Tiếng về quê nhà và bắt đầu trồng 2ha lúa theo kiểu tự nhiên, không dùng phân, thuốc hóa học. Thế rồi, bất kể ý tưởng của mình bị phản đối, thậm chí bị kỳ thị đến đâu, Tiếng cũng kiên trì để rồi đến cuối 2016, vượt qua 21 đối thủ, dự án “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của Tiếng  đã giành giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) tổ chức.

 

Theo HÀ ANH (Đảng Cộng sản Việt Nam)