Nhu cầu tái định cư tăng mạnh
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, kiểm tra dự án KCN VSIP Vĩnh Thạnh.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố có 14 công trình trọng điểm; trong đó 9 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 2 dự án của Trung ương trên địa bàn thành phố (gồm dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), cùng 3 dự án đầu tư ngoài ngân sách. Thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nhằm sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…”.
Bên cạnh những thuận lợi thì có khó khăn khi một số dự án chậm tiến độ như công trình cao tốc đi qua địa bàn TP Cần Thơ gặp khó về nguyên vật liệu đang khan hiếm, nhất là nguồn cát san lấp. Đối với dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ dài hơn 19km khó khăn về bồi thường, tái định cư và phát sinh chi phí; có khoảng 35% số hộ dân bị ảnh hưởng được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng do nằm rải rác nên chưa thể thi công được toàn bộ các gói thầu số 16, 17, 19; gian nan nhất là các khu tái định cư của quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa có giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện bàn giao cho các hộ dân, từ đó ảnh hưởng đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Một số hộ dân ngụ xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ cho biết, khu vực này chuyên sản xuất nông nghiệp; trước đây điều kiện đi lại khó khăn, nay có được dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua nên bà con rất vui mừng và sẵn sàng giao đất để dự án sớm triển khai, chỉ mong ngành chức năng quan tâm công tác đền bù hợp lý. Bà Trần Thị Dung, ở huyện Phong Điền, chia sẻ: “Chúng tôi luôn ủng hộ việc đầu tư xây dựng các công trình mới nhằm tạo bộ mặt của huyện ngày càng khang trang. Song, luôn mong muốn việc bố trí nền tái định cư cho dân được sớm thực hiện…”.
Hiện, TP Cần Thơ có 7 khu tái định cư ở các quận, huyện như Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt, Phong Điền… tổng kinh phí đầu tư gần 1.600 tỉ đồng, bố trí khoảng 2.566 nền. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu bởi nhu cầu tái định cư càng lúc tăng cao. “Hồi tháng 5-2023, huyện có nhu cầu tái định cư cho khoảng 562 nền thì sang tháng 6-2023 đã tăng lên hơn 600 nền, trong khi khu tái định cư của huyện đang sắp hoàn thành chỉ bố trí được khoảng 284 nền…”, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền trăn trở.
Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài hàng ngàn nền đang gấp rút xây dựng hiện nay ở 7 khu tái định cư, thì dự báo đến năm 2025 TP Cần Thơ cần thêm khoảng hơn 10.000 nền tái định cư nữa, để bố trí chỗ ở mới cho bà con bị ảnh hưởng các dự án. “Đây là cái khó nhất trong lúc này và những năm tới, bởi nếu chậm bố trí tái định cư sẽ kéo theo chậm giải phóng mặt bằng và chậm giao đất sạch cho nhà thầu. Như vậy, các dự án trọng điểm sẽ chậm được thi công. Hiện thành phố đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp tháo gỡ”, ông Trần Việt Trường tâm sự.
Cũng theo ông Trần Việt Trường, lâu nay việc xây dựng các khu tái định cư đều từ ngân sách nhà nước, song nguồn ngân sách không phải lúc nào cũng đủ và làm nhanh được. Do đó, tới đây thành phố sẽ nghiên cứu việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng các khu tái định cư nhằm đẩy nhanh việc tạo nơi ở mới cho những hộ bị ảnh hưởng dự án. “Việc kêu gọi tư nhân tham gia làm khu tái định cư là vấn đề rất mới, nên cần nghiên cứu thêm về cơ chế, chính sách như thế nào cho phù hợp, hấp dẫn để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia; đồng thời phải đúng các quy định pháp luật”, ông Trường nói.
Thêm phương án mà TP Cần Thơ cũng đang tính đến, đó là “tái định cư không phải giao nền”. Theo đó, cho triển khai thí điểm ở quận Ninh Kiều một dự án chung cư để tái định cư. Chung cư này sẽ được giao đất sạch, có thể là một phần đất của dự án tái định cư phường An Bình (quận Ninh Kiều), do Ban Quản lý dự án ODA thành phố làm chủ đầu tư, hoặc phần đất hai bên đường Nguyễn Văn Cừ. Cần lưu ý thêm là thời gian qua có hộ khi nhận nền tái định xong nhưng không ở, mà đem bán. Những trường hợp này, các địa phương có thể xem xét phương án tái định cư bằng cách “đưa tiền mặt” tương ứng nền nhà ngoài thị trường. Với số tiền này bà con có thể đi mua nền nhà ở các dự án địa ốc khác bên ngoài. Hoặc một số hộ có nhu cầu muốn mua đất ruộng, đất vườn ở nơi xa hơn nhằm gắn bó với nghề nông cũng được thuận lợi… Tóm lại, thành phố đang hướng đến việc đa dạng trong bố trí tái định cư từ tập trung đến phân tán. Song, về cơ bản thì quyền lợi của người tái định cư được đảm bảo như nhau.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhìn nhận: “Thành phố đang thực hiện rất nhiều dự án quan trọng, trọng điểm; đây được xem là những công trình tạo động lực mới cho sự phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, vì vậy các sở ngành, quận huyện cần xem là nhiệm vụ quan trọng, bám sát quá trình thực hiện và đẩy nhanh tiến độ, không đùn đẩy trách nhiệm. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng và các quận huyện phải quan tâm hơn nữa về tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng các dự án. Theo đó, khi xây các khu tái định cư cần chọn vị trí, địa điểm tốt nhất và phải đảm bảo hạ tầng tốt nhất, nơi ở tốt nhất cho người dân so với nơi ở cũ. Làm sao các khu tái định cư thật sự hấp dẫn bà con về đây sinh sống, có điều kiện buôn bán, làm dịch vụ… có nguồn thu nhập tốt, giúp bà con đổi đời. Nên lưu ý các khu tái định cư mới này chính là cơ hội để thành phố chỉnh trang việc phát triển đô thị ngày càng khang trang, hiện đại xứng tầm với thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL…”.
Theo Báo Cần Thơ