Chiếc bánh quê trong giai điệu quê hương

06/04/2022 - 09:28

Nhân dịp Cần Thơ tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022, cùng nhắc lại đôi điều về sự “se duyên” của chiếc bánh quê trong giai điệu âm nhạc truyền thống Nam Bộ.

Tuổi thơ gắn liền với những chiếc bánh quê.

Trong dân ca Nam Bộ, hình ảnh bánh dân gian có mặt trong nhiều câu hò, điệu lý, lời ru. Chỉ nói về lý Nam Bộ, rất nhiều điệu lý về bánh đã trở nên quen thuộc, thân thương như Lý Dĩa Bánh bò, Lý Bánh ít, Lý Bánh đúc… Lý Dĩa Bánh bò được rất nhiều người thuộc nằm lòng với lời ca, giai điệu vui tươi, dí dỏm: “Hai tay bưng dĩa (í a) bánh bò/ Giấu cha, giấu mẹ chân đi khé né tối trời sợ té lén đem cho trò (ì ì i i i) trò là trò đi thi (i i i) trò/ Tình tính tang tang là trò, là trò đi thi (í i i i i i)”.

Và lại nhớ câu hát đưa em của chị Hai, chị Ba ở xứ sở sông nước miền Tây: “Ầu ơ… Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh. Bánh nào trắng bằng bánh bò bông…”. Điệu hát ru sao quá ngọt ngào từ bà, từ mẹ, từ chị; có lẽ từ những chiếc bánh bò bông, bánh ú, bánh chuối… đậm đà hương vị quê hương. Bánh quê còn mang cả niềm tự hào của xứ sở qua những câu vè dân dã. Về Giồng Trôm, Bến Tre lại nghe ngân nga: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông…”. Về Hồng Dân, Bạc Liêu - quê hương của món bánh tằm Ngan Dừa trứ danh lại nghe ai hát: “Hai tay bưng dĩa bánh tằm. Ngày đi ai nhớ, đêm nằm nhớ ai…”.

Có lẽ, hình ảnh bánh dân gian Nam Bộ đặc sắc nhất là trong các bài ca cổ, qua cung bậc “hò, xự, xang…” làm nên cốt cách của người dân xứ này. Được nhiều người thuộc làu là bài ca cổ “Bánh bông lan” của soạn giả Quế Chi. Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa chàng trai và cô gái bán bánh bông lan cứ duyên dáng, trữ tình và đằm thắm xoay quanh câu chuyện về chiếc bánh quê. Dễ thương làm sao lối tỏ tình từ chiếc bánh: “Cô Hai ơi cái bông lan nhụy vàng cánh trắng, còn cái bánh bông lan thì nhụy vàng mà cánh cũng vàng luôn. Vậy mà hễ vắng xa là trong dạ thấy buồn, chắc là mai mốt tui về tui ở luôn dưới này…”.

Với những người con của quê hương Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu), hễ nghe ai hát bài ca cổ “Cô gái bán bánh tằm” là lại thấy lâng lâng niềm tự hào, lại như thấy quen thân từ thuở nào vậy. Mới hay, chiếc bánh quê còn là sợi dây cảm tình kết nối những người con đồng hương xa xứ. Bài ca như rót mật lòng người: “Hỡi ai đi xuôi về ngược. Nếu thuận nước thuận tình ghé chợ Ngan Dừa cho em thưa một chuyện. Nếu có duyên có nợ ghé chợ ăn bánh tằm dùm em”.

Bánh dân gian Nam Bộ đồng hành cùng người dân xứ này từ thuở khai hoang mở cõi đến thời hiện đại. Với lịch sử và ân tình như thế, bánh quê không đơn thuần là nét ẩm thực, là món “ăn chơi” hay “ăn no” mà đằm sâu trong từng hình thái, hương vị chiếc bánh là cả một kho tàng văn hóa quý báu và đáng trân trọng. Cũng vì lẽ này mà bánh dân gian được đưa vào âm nhạc truyền thống như hò, vè, dân ca, cải lương, vọng cổ… theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.

Những ngày này, mời quý khách về lại Cần Thơ thưởng thức bánh ngon, nghe đờn ca tài tử để cảm nhận nét văn hóa phương Nam.

Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)