Từ thú chơi tao nhã...
Bonsai mini là loại cây cảnh được trồng trong chậu nhỏ với chiều cao rất... khiêm tốn nhưng lại mang dáng dấp của cây cổ thụ rêu phong cổ kính. Ảnh: ST
Bonsai mini là loại cây cảnh được trồng trong chậu nhỏ với chiều cao rất... khiêm tốn nhưng lại mang dáng dấp của cây cổ thụ rêu phong cổ kính. Với lợi thế không tốn lắm thời gian chăm sóc, tạo tác như những cây cảnh bình thường và không tốn về không gian mặt bằng bố trí nên nhiều năm nay thú chơi này đã thu hút khá đông “tín đồ” với mọi thành phần và mọi lứa tuổi. Mặc dù thú chơi này tuy có ít nhiều tốn kém, tiêu tốn chút ít thời gian nhưng mang lại cho người chơi nhiều điều bổ ích trong việc mở mang trí tuệ, trút bỏ được những ưu tư phiền muộn trong mọi cuộc mưu sinh. Điều rất thú vị là thú chơi bonsai không phải dành riêng cho những người chuyên nghiệp mà giới nghiệp dư “a-ma-tơ” cũng đã tham gia khá đông đảo. Khi “đất chật, người đông”, khi mặt bằng và không gian sống ngày càng thu hẹp làm hạn chế rất lớn đối với những người đam mê thú chơi cây cảnh hoành tráng thì bonsai mini ra đời là một tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về một không gian xanh cho những ngôi nhà phố thị.
Với ưu điểm là không tốn quá nhiều diện tích, lại dễ di chuyển, đặt để vào những nơi thích hợp dù là nơi hàng hiên, nơi ban công, một góc sân eo hẹp nào đó hay trên bộ salon đặt nơi phòng khách cũng đủ một khoảng không gian xanh cho người chơi thư giãn tâm trí hàng ngày. Những buổi sớm ban mai hay những ngày cuối tuần rảnh rỗi bên ly cà phê, bình trà thơm lừng lựng, ngồi lặng ngắm những chậu bonsai mượt mà kỳ vĩ là một thú vui của bao người vốn yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên. Chính nơi “góc nhỏ bình yên” ấy là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, là chất xúc tác như trải rộng lòng người trong thú chơi tao nhã đầy tính nghệ thuật, nó đem lại cho người chơi có được một tâm hồn thanh thản, phiêu bồng và như trút sạch bao phiền muộn trong cuộc sống mưu sinh với bao điều trăn trở.
Trong giới chơi bonsai mini - dù có nhiều dáng, nhiều thế, nhưng không phải ai cũng thích đại trà. Có người mê mẩn với những chậu bonsai mang dáng thác đổ, có người trầm lắng trước chậu có phong cách văn nhân, người thì thích bạt phong, gió lùa, không ít người lại thích những chậu “rừng cây” thu nhỏ... Rồi những tên gọi đầy phong cách... Kim Dung. Nào là: nhất trụ kình thiên, hồi phong lạc địa, ngũ phúc - tam đa, long chầu - phượng vũ, huyền chi lạc địa, tiều phu quải tử, long thăng, long giáng...
Với giới đam mê cây cảnh nói chung đều có chung tâm lý thích giao lưu kết bạn. Họ nhanh chóng làm quen, sẵn sàng ngồi đàm đạo hàng giờ về chủ đề mình yêu thích, sẵn sàng chia sẻ cách chăm và những kinh nghiệm của mình với bạn “đồng chung cảnh ngộ”. Trong tiệc nhậu đôi khi còn “bất đồng quan điểm” rồi sinh ra cự cãi, còn trong những buổi “trà dư” thì hầu như không hề phát sinh mâu thuẫn, cự cãi, vì người chỉ rất tận tụy và người nghe cũng rất chân thành. Có anh bạn còn trương lên tấm “khẩu hiệu”: “Mê cây chậu nhỏ hài hòa/Ai mê cây kiểng đều là anh em”. Tuy là câu thơ vui nhưng đã thể hiện phần nào đó sở thích của những người yêu cái đẹp của thiên nhiên như một đam mê khó từ bỏ.
Đến món ăn tinh thần
Các chậu bonsai mini có nhiều dáng, nhiều thế độc, lạ riêng biệt của mỗi cây. Ảnh: ST
Tọa lạc trên con đường Dương Kỳ Hiệp, ngôi nhà của anh bạn tôi với khuôn viên khá rộng vốn “kín cổng cao tường” giờ lại tiếp tục đóng kín như không muốn ai đó đến quấy rầy. Tại khuôn viên này với hơn trăm chậu bonsai mini vốn là “sân chơi” của nhiều bạn bè thân hữu ngày ngày “cà phê, cà pháo” ngắm nghía những chậu bonsai xinh xinh của anh. Nhưng giờ đây góc sân ấy vắng bóng người - chỉ có “gia chủ” ngồi đó với bình trà nóng và cốc cà phê đang uống dở.
Dù đã quen biết từ trước nhưng anh vẫn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Anh cho biết, trước khi có chủ trương cách ly thì gia đình anh cũng đã hạn chế tiếp khách và khi có chủ trương cách ly đưa ra là anh nghiêm túc việc “cửa đóng, then cài”. Trò chuyện cách nhau một cánh cổng với khẩu trang kín mít, anh cho biết, nhờ mấy ngày “cách ly”- vắng mấy ông bạn hiền, nên anh có khá nhiều thời gian chăm chút cho mấy chục chậu bonsai đang quéo quắt vì trận hạn đang hoành hành. Có ngày thì thay đất, vô phân, có lúc thì tỉa tót những nhánh phượt lên “vượt tầm kiểm soát”, rồi quấn dây uốn cành những cây phôi đang “nuôi” cành, tạo tán... Nhiều khi “ham công, tiếc việc” nên bữa cơm chiều thành bữa cơm... tối.
Cùng chung “cảnh ngộ” đó, anh bạn giáo viên ở Châu Thành cũng khoe: “Do được nghỉ dạy dài dài, tuy buồn nhưng em có thời gian chăm sóc dàn bonsai để không có “hao hụt” như năm rồi. Mười mấy ngày không tụ tập bạn bè cà phê, tiệc tùng nhậu nhẹt, quanh quẩn trong nhà cũng có “cuồng cẳng” chút đỉnh. Nhưng bù lại là có thời gian dành cho mấy chục chậu cây cảnh...”. Anh bạn hàng xóm của tôi vốn là dân buôn bán lặt vặt kiêm luôn nghề xe ôm nhưng cũng là dân “chết mê, chết mệt” với thú chơi cây cảnh. Nhà nhỏ, sân hẹp nhưng anh vẫn có “riêng một góc trời” với mấy chục chậu bonsai mini mua có, tự làm cũng có. Những ngày “thất nghiệp” này cũng là dịp anh “tổng vệ sinh” mặt sân, thiết kế dàn kệ sắt áp tường đặt lại số chậu bonsai đang ngổn ngang khắp chỗ. Rồi sau những bữa “solo” cà phê sáng, anh bày ra số “đồ nghề” nào kéo lớn, kéo nhỏ, dây đồng, dây nhôm để “xử lý” mớ phôi đã tới thời kỳ tạo tán, cắt cành.
Nhờ những ngày “thất nghiệp” mà anh đã “giải quyết” hoàn tất khoảnh sân nhỏ khá bề bộn của mình và tạo thêm cả chục chậu bonsai mới. Thấy tôi ngắm nghía “vườn kiểng” của mình, anh cười hỉ hả: “Tìm niềm vui trong nỗi buồn mà lị”. Còn chị vợ thì... cảm thán: “Lúc đầu thấy ảnh mua mấy chậu kiểng về bày biện lung tung mà phát bực. Giờ thấy ổng tối ngày cứ chăm chút cây, không bước chưn ra khỏi nhà, cũng tội nghiệp. Nhưng “thứ quỷ” này mà tới mấy chục ngàn một cây thấy tiếc tiền quá...”. Tôi cười nôn trong bụng: Thì ra thằng cha này... Vài trăm ngàn mà nói có mấy chục. Tôi “kề tai, nói nhỏ”: “Ê bạn! Mỗi chậu một trăm, tui mua hết!”. Anh bạn hàng xóm trợn mắt, đầu như bốc khói.
Mỗi sớm ban mai thức dậy với những người có niềm đam mê cây cảnh thì không có gì bằng được những phút giây tĩnh lặng bên ly cà phê thơm lựng để lặng ngắm và thả hồn theo những cảm xúc phong cảnh thiên nhiên được thu nhỏ trước sân nhà. Trong không gian trầm lắng ấy dường như giúp cho “chủ nhân” trút đi mọi ưu phiền, rũ bỏ hết những trăn trở trong cuộc sống mưu sinh thường nhật. Ở một nơi góc nhỏ bình yên ấy với một không gian thoáng mát, ít nhiều đã giúp người chơi trở nên trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn, hòa quyện cùng thiên nhiên và nhất là biết đam mê, quý trọng thiên nhiên hơn.
Theo KỲ LÂM (Báo Sóc Trăng)