Chủ động xóa vùng trắng của cơ khí nông nghiệp ở ĐBSCL

27/09/2019 - 18:16

Trong khi các ngành công nghiệp năng lượng, dầu khí, ô tô thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư thì ngành cơ khí cho hoạt động sản xuất nông nghiệp lại gần như bị lãng quên và không được đầu tư.

Cơ khí nông nghiệp gần như bị bỏ quên khi có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này

Vấn đề trên được nêu ra tại hội thảo khoa học “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long” do UBND TPHCM phối hợp cùng Đại học quốc gia TPHCM tổ chức ngày 27/9.

Ông Trần Anh Sơn, Phó trưởng Khoa Cơ khí – Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, ĐBSCL gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất. Do đó, để đáp ứng phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp cho ĐBSCL rất cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất giúp tăng năng xuất, giá trị sản phẩm và tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm; tận dụng và chuyển đổi tối đã nguồn phụ phẩm để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất. Trong đó, cơ khí hóa – hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.

Ông Nguyễn Thế Hà, Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho hay, tổn thất trong ngành nông nghiệp ở các khâu canh tác trong và sau thu hoạch hiện ở mức cao về cả khối lượng và giá trị, với tỷ lệ khoảng 15%, tương đương trên 5,2 tỷ USD/năm. Theo đó, mặc dù ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng cơ khí nông nghiệp chưa được đầu tư tương xứng. Trình độ khoa học công nghệ về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và hiện đại hóa công nghiệp chế biến ở mức thấp.

“Nhiều ngành công nghiệp như năng lượng, dầu khí, ô tô được nhiều doanh nghiệp đầu tư, song cơ khí nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn là vùng trắng” – ông Hà đánh giá. Hiện ở ĐBSCL, nông dân sử dụng máy “second hand” là chính, trồng trọt, chăn nuôi phát triển song cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa sản xuất và hiện đại hóa công nghiệp chế biến không được đầu tư.

Trong khi đó, đào tạo nhân lực ngành cơ khí nông nghiệp thu hẹp dần ở cấp Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nhất là lĩnh vực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Các trung tâm dạy nghề ở các địa phương không tập trung cho như cầu đào tạo nguồn nhân lực này. Trong khi đây là là lực lực đóng vai trò quan trọng, quyết định cho việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.

Sản lượng lúa ĐBSCL hàng năm khoảng 25 triệu tấn. Theo tính toán của ông Hà, cơ giới hóa, hiện đại hóa hệ thống canh tác, giảm chi phí sản xuất, giảm thiệt hại trong và sau thu hoạch, tận dụng triệt để phụ phẩm khai thác hợp lý chuỗi giá trị trong toàn khâu sản xuất, lợi ích sẽ tạo ra giá trị tới 100.000 tỷ đồng (theo lý thuyết). Theo ông Hà, chỉ cần thực hiện được 25% điều này cũng đã tạo ra nguồn thu trị giá 25.000 tỷ đồng/năm. Điều này sẽ tạo nội lực để ĐBSCL chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp bằng nguồn lực của chính mình.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành công trong việc sản xuất và cung ứng máy móc nông nghiệp. Như Tổng công ty máy động lực giữ vững được thị phần động cơ loại nhỏ dưới 30 mã lực với nhãn hàng hóa Vikyno và Vinappro; Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ với các thiết bị xay xát chế biến lúa gạo, cà phê, đậu xanh… đã thay thế thiết bị nhập khẩu và cạnh tranh ra thị trường thế giới hiệu quả… Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thì doanh số của những doanh nghiệp này vẫn còn rất nhỏ.

Theo các chuyên gia, TPHCM và ĐBSCL cần có sự liên kết chặt chẽ nhằm xây dựng ngành cơ khí nông nghiệp. Bởi hiện TPHCM là thị trường tiêu thụ nông sản chính của ĐBSCL và cũng là nơi cung cấp công cụ sản xuất nông nghiệp, giải pháp khoa học công nghệ và hậu cần kỹ thuật cho ĐBSCL.

Trên tinh thần đó, tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM với Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và ký kết giữa Đại học Bách Khoa TPHCM với công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ.

Ông Nguyễn Thế Hà cho biết, Đại học Bách Khoa TPHCM và Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ sẽ thí điểm liên kết thành lập phòng thí nghiệm cơ khí tự động hóa và dự kiến phát triển thành Trung tâm cơ khí tự động hóa. Trên cơ sở đó, Viện công nghệ Bùi Văn Ngọ Sài Gòn sẽ từng bước được hình thành dưới dạng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Trong đó có nhiều thành phần kinh tế, nhiều địa phương tham gia tạo ra hệ sinh thái khoa học công nghệ.

Theo Báo Hải Quan