Nhập hàng tại Cửa hàng Xăng dầu số 10 (Petrolimex Tây Nam Bộ) nằm trên đường 3-2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng bán buôn, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung xăng dầu tại Cần Thơ… Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cục bộ, nguyên nhân từ khan hiếm nhiên liệu đầu mối cung ứng.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do các biến động về nguồn cung xăng dầu, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thực hiện một số nhiệm vụ.
Trong đó, Sở Công Thương tham mưu cho thành phố các biện pháp điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên bàn; phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận, huyện giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động này, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật…
Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý, thực hiện giám sát chặt chẽ thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhất là thời điểm trước, trong và sau khi có thông báo điều chỉnh giá bán xăng dầu của cơ quan chức năng; xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép. Đồng thời, thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường để tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng phản ánh về các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu…
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung nhiên liệu thường xuyên, đều đặn cho hệ thống hoạt động, có kế hoạch dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong các tháng cuối năm, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023…
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị các tập đoàn kinh doanh đầu mối xăng dầu chỉ đạo tăng cường cung ứng xăng dầu cho các thương nhân đầu mối trên địa bàn thành phố Cần Thơ, để bù đắp nguồn cung nhiên liệu từ đầu mối bên ngoài thành phố bị gián đoạn, gây thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện nay.
Liên quan đến việc cung ứng xăng dầu tại thành phố Cần Thơ, ngày 16/11, ông Mai Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho hay, sáng cùng ngày, tàu chở 3.000 m3 xăng Ron 95 đã cập cảng Tổng kho Xăng dầu của NSH Petro tại Cần Thơ. Đây là số hàng được NSH Petro mua từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cụ thể, ngày 4/11, công ty đã hoàn thành thủ tục để nhận hàng theo đúng lịch mà nhà máy xác nhận (10/11). Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hàng cục bộ nên các đơn vị tập trung lấy hàng tại Nhà máy Dung Quất quá nhiều, dẫn đến kẹt cầu cảng vì lượng tàu nhận hàng rất đông.
Đến ngày 13/11, NSH Petro mới nhận được lô hàng 3.000 m3 xăng Ron 95 nói trên. Dự kiến ngày 15/11 tàu sẽ đến Tổng kho Xăng dầu của công ty, nhưng do thủy triều thấp, mớn nước tàu không đủ vào cảng nên đến sáng 16/11 tàu mới cập cảng.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch, NSH Petro đã ký hợp đồng mua hàng hóa 1.900 tấn MTBE (nguyên liệu dùng để pha chế xăng dầu, tương đương 2.600 m3), thời gian nhận hàng dự kiến ngày 31/10/2022 nhưng do ảnh hưởng bão nên thời gian nhận hàng bị chậm trễ 5 ngày so với kế hoạch. Đến ngày 5/11 tàu You Shen 9 mới nhận hàng tại Đài Loan, nhưng khi nhận hàng xong vẫn bị ảnh hưởng bão nên tàu không thể khởi hành, đến ngày 9/11 tàu mới về tới Việt Nam và đến ngày 13/11, lô hàng MTBE mới nhập về Tổng kho Xăng dầu của NSH Petro.
Theo đại diện NSH Petro, việc chậm trễ trên là do yếu tố khách quan và ảnh hưởng cục bộ đến việc cung cấp hàng cho các đơn vị bán lẻ. Ngoài ra, do nguồn cung thiếu hụt nhưng theo nhu cầu đảm bảo phục vụ các sự kiện quan trọng của các địa phương, NSH Petro đã chia sẻ nguồn dự trữ của công ty cho các đơn vị khác dẫn đến nguồn hàng của công ty thiếu hụt cục bộ. "Công ty gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng", lãnh đạo NSH Petro chia sẻ.
Trước đó, ngày 9/11, tàu trọng tải lớn chở 3,5 triệu lít dầu D.O đã cập cảng Tổng kho Trà Nóc của NSH Petro ở Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ. Công ty cũng đã nhập 8,4 triệu lít condensate (một dạng dầu thô, nguyên liệu để sản xuất xăng), kịp thời đưa về nhà máy lọc hóa dầu tại quận Cái Răng (Cần Thơ) để sản xuất xăng dầu đáp ứng nhu cầu các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong công văn gửi NSH Petro ngày 28/10 về việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV/2022, Bộ Công Thương phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV/2022 (gồm nguồn nhập khẩu, pha chế và mua từ nguồn sản xuất trong nước) cho đơn vị này tổng số 200.000 m3, bao gồm 125.000 m3 xăng và 75.000 m3 dầu diesel.
NSH Petro có trách nhiệm tổ chức nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước bảo đảm tổng nguồn trong quý IV/2022 không thấp hơn tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo phân giao của Bộ Công Thương; thực hiện đúng quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.
Theo lãnh đạo NSH Petro, những ngày tới, công ty tiếp tục chia sẻ hàng hóa xăng dầu nhằm giải quyết phần khó khăn lớn nhất để các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của các khách hàng không đóng cửa. Bên cạnh đó, công ty cũng nâng mức chiết khấu bán hàng lên mức 200 - 350 đồng/lít cho khách hàng.
Theo THANH LIÊM (TTXVN)