Con tôm được người dân Cà Mau chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Những ngày qua, Hợp tác xã (HTX) Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) đang thu gom tôm nguyên liệu nhiều hơn để chế biến các sản phẩm tôm khô, bánh phồng tôm nhằm phục vụ Festival Tôm Cà Mau - Lần thứ I và Diễn đàn kết nối nông sản OCOP vùng ĐBSCL. Đây cũng là 2 mặt hàng có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của HTX.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, cho biết cơ quan chức năng huyện đã thông báo, HTX của ông được hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại sự kiện. Đơn vị chuẩn bị sẵn các sản phẩm đã phát triển trước đây là tôm khô và bánh phồng tôm đến các sản phẩm mới như chả, mắm, muối tôm… để sẵn sàng tham gia Festival. “Hiện các sản phẩm đã có sẵn trong kho, chỉ cần đóng gói, làm mẫu mã là tham gia trưng bày tại Festival Tôm. Mong sao qua lễ hội, thương hiệu tôm của tỉnh Cà Mau ngày càng lan tỏa rộng khắp mọi miền đất nước” - ông Chương bày tỏ.
Huyện Ngọc Hiển và Năm Căn là 2 địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng của tỉnh Cà Mau. Cơ quan chức năng huyện Năm Căn cũng đang tích cực phối hợp các sở, ngành tỉnh, các đơn vị liên quan chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất trong năm của tỉnh.
Ông Trương Minh Thuận, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết: “Nhiều tháng trước, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên hệ doanh nghiệp, HTX có những sản phẩm được chứng nhận OCOP đối với con tôm để đảm bảo công tác chuẩn bị chu toàn. Chúng tôi quan tâm đến việc bố trí nguồn nguyên liệu và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương để tham gia Festival Tôm”.
Theo kế hoạch, huyện Năm Căn sẽ mang đến Festival Tôm 13 sản phẩm đều đã đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ tôm sinh thái và một số sản phẩm từ con cua mang thương hiệu riêng của địa phương. Các chủ thể sở hữu những sản phẩm này như HTX Tài Thịnh Phát Farm, Công ty TNHH Dư Thái Bình; Công ty CP xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát đều đang khẩn trương sản xuất cũng như chú trọng phát triển thêm các mẫu mã sản phẩm mới để đưa đến “sân chơi lớn của con tôm”.
Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm, cho biết: “Chúng tôi sẽ mang những sản phẩm chất lượng nhất của đơn vị đến Festival để giới thiệu đến mọi người. Sản phẩm tôm, cua Cà Mau nói chung đều có chất lượng tốt, nhưng dịp này sẽ được biết đến rộng rãi hơn, điều này không chỉ doanh nghiệp mà người nuôi tôm cũng sẽ được hưởng lợi”.
Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 sẽ được tổ chức tại Cà Mau từ ngày 10 đến 13-12. Trong đó, nổi bật là hoạt động trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP với 400 gian hàng. Bên cạnh đó, còn có hoạt động sơ kết chương trình liên kết TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL năm 2023; hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL 2023”; hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”, “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”; các chương trình về xúc tiến thương mại, du lịch. Sự kiện hướng tới giới thiệu, quảng bá thương hiệu tôm, các sản phẩm OCOP của Cà Mau đến du khách trong, ngoài nước; tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)