Chương trình OCOP - "Đòn bẩy" đưa kinh tế nông thôn khởi sắc

08/05/2020 - 10:03

Theo kế hoạch trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển ít nhất 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó 3 sản phẩm đạt 5 sao) và đến cuối năm sẽ có hơn 80 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Qua đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 3 sản phẩm trở lên được chứng nhận từ lựa chọn sản phẩm chủ lực trong Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sóc Trăng giai đoạn (2018 - 2020), định hướng đến năm 2030.

Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, rất nhiều hoạt động lựa chọn, xét duyệt các sản phẩm đặc trưng của các địa phương và có hàng chục sản phẩm được xét chọn cẩn thận thông qua hội đồng thẩm định cấp huyện, tỉnh. Kết quả có 39 sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP, vượt kế hoạch đề ra.

Nhiều sản phẩm OCOP đạt chứng nhận các sao cấp tỉnh được bày bán tại Cửa hàng Giới thiệu - Liên kết - Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản - an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: THÚY LIỄU

Để các sản phẩm địa phương đạt được các sao, trước hết phải nói đến công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương gắn kết với các hoạt động truyền thông trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể đã xây dựng 11 cụm pano tuyên truyền về Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, tổ chức các buổi tuyên truyền bằng hình thức hội nghị, tập huấn, tại các cuộc hội chợ cấp tỉnh, huyện; vận động các hợp tác xã có sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP (theo đó, có 4 hợp tác xã trong số 21 chủ thể có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận các sao OCOP); in và phát hành 35.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí để đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đến các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, cấp phát 156.000 tem logo OCOP để dán vào các sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2019.

Đồng thời, cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện đều tham dự lớp đào tạo tập trung do Trung ương tổ chức để nắm vững về Chương trình OCOP. Ngoài ra, địa phương chủ động mời một số trường, đơn vị nghiên cứu, tư vấn tập huấn, đào tạo về OCOP triển khai tập huấn chuyên sâu cho cán bộ cơ sở nhằm quán triệt và hiểu sâu, đầy đủ hơn về Chương trình OCOP, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc ban đầu khi triển khai thực hiện cũng như hỗ trợ địa phương triển khai chương trình.

Sau khi các sản phẩm đạt các sao OCOP, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức hội chợ triển lãm cấp tỉnh, huyện và các tỉnh bạn, có 83 lượt doanh nghiệp tham gia. Qua các đợt hội chợ có 20 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 25 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với các đơn vị, hệ thống phân phối lớn như: Big C, Co.opmart, Lotte. Bên cạnh đó, tỉnh đã ra mắt cửa hàng “Giới thiệu - Liên kết - Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản - an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng” tại điểm du lịch chùa Chén Kiểu (Mỹ Xuyên), tại cửa hàng có 22 cơ sở, doanh nghiệp ký gửi hàng hóa với hơn 120 loại sản phẩm có niêm yết giá và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để trưng bày, giới thiệu và bán cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Song song đó, một số địa phương cũng đã ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương như TX. Ngã Năm, Cù Lao Dung, thu hút nhiều khách hàng đến mua sắm…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động hỗ trợ để triển khai Chương trình OCOP như: hội nghị triển khai đề án; tuyên truyền đến các cộng đồng hỗ trợ đăng ký, đánh giá, tập huấn chất lượng sản phẩm; đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình OCOP; kết nối chuỗi giá trị đầu vào cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Cùng với đó toàn tỉnh phấn đấu thực hiện vượt mục tiêu về phát triển sản phẩm theo Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 bằng cách tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá; tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại tỉnh Sóc Trăng trong năm 2020; thành lập “Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng” và triển khai phát triển các điểm bán hàng, cửa hàng OCOP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh; xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP; phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường các sản phẩm OCOP Sóc Trăng.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)