Chuyện không chỉ của ST

18/11/2019 - 14:37

Gạo thơm ST25 chính thức được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới tại hội thi lúa gạo quốc tế tổ chức tại Philippines từ ngày 10 đến 13-11.

Vinh quang đó không chỉ thuộc về nhóm tác giả do Anh Hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua dẫn dắt, mà còn cho cả ngành lúa gạo Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung. Hay nói một cách khác, chuyện của ST bây giờ đã không còn là của riêng ST nữa, mà là câu chuyện của thương hiệu lúa gạo quốc gia.

Từ lâu, hạt gạo ST vốn đã chinh phục được người tiêu dùng, các chuyên gia lúa gạo trong nước và quốc tế không chỉ bằng bộ sưu tập giải thưởng, danh hiệu đồ sộ, mà còn ở sự tăng nhanh diện tích gieo trồng tại nhiều vùng, miền trong cả nước, đặc biệt là giá trị và khả năng tiếp cận phân khúc thị trường cao cấp. Từ giống ST5 với kỷ lục xuất khẩu 700 USD/tấn cho đến ST20 có thời điểm giá trị xuất khẩu lên đến 900 USD/tấn. Đây cũng chính là điểm cộng cho giống gạo ST trong việc mở rộng diện tích tại những vùng chịu tác động biến đổi khí hậu, hay xa hơn chính là điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu vẫn miệt mài nâng cao chất lượng cho hạt gạo thơm ST, nhưng để đi xa hơn rất cần có sự chung tay xây dựng thành công chuỗi liên kết giá trị gạo thơm ST.

Tôi còn nhớ, có lần kỹ sư Hồ Quang Cua đột ngột hỏi tôi: “Có biết tại sao ông bà mình ngày xưa hay sử dụng từ “ngon lành” mà không xài từ “lành ngon” không?”. Và không đợi câu trả lời của tôi, anh nói ngay: “Bởi vì ai cũng thích được ăn ngon hết, rồi sau đó mới tính đến chuyện sạch và an toàn, tức là lành. Đó cũng là lý do mà ngay từ buổi đầu nghiên cứu giống lúa thơm ST, tôi đã đề ra mục tiêu “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” làm định hướng xuyên suốt cho quá trình nghiên cứu. Sau này, khi đã có những giống lúa thơm ST “thơm ra thơm, ngon ra ngon” rồi mình chuyển sang sản xuất theo quy trình sạch hay hữu cơ thì không có gì khó hết cả”.

Trở lại với câu chuyện gạo ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới mới đây để thấy rằng, thành công của gạo ST25 tại đấu trường quốc tế lần này không chỉ là thành quả của sự đam mê, khát vọng đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa, mà còn ở chính định hướng đúng đắn ngay từ những ngày đầu nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự. Và để theo đuổi mục tiêu, định hướng đó, phải mất rất nhiều thời gian, bởi chỉ có quy trình lai phức (với nhiều cặp bố mẹ - NV) cùng với kiến thức, kỹ năng về công nghệ di truyền mới có thể chuyển hóa tất cả các tiêu chí mong muốn có trong gen hạt lúa bố mẹ để cho ra đời những giống lúa “thơm ra thơm, ngon ra ngon” mang tên ST.

Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc nghiên cứu, sản xuất lúa thơm ST khi thường xuyên có những chuyến thăm hỏi, động viên kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu.

Sau 2 lần đạt giải cao quốc tế cùng hàng loạt các giải thưởng trong nước, hạt gạo ST cũng được người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Tỉnh Sóc Trăng đã có dự án phát triển vùng lúa đặc sản từ rất sớm, nhãn hiệu chứng nhận gạo thơm Sóc Trăng (ST) cũng đã có và được trao cho một số doanh nghiệp, nông dân Sóc Trăng và một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long cũng tiếp cận khá nhiều với những giống lúa này, nhưng đến nay, việc sản xuất lúa ST vẫn còn rời rạc, giá bán còn bấp bênh, mà vụ Đông – Xuân 2018 – 2019 là một điển hình khi giá lúa ST20, ST24 rơi xuống chỉ còn hơn 5.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy, nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua chỉ có thể đưa công tác lai tạo giống lúa ST đi nhanh hơn, chất lượng ngày một cao hơn, còn để đưa hạt gạo ST đi xa hơn rất cần có thêm nhiều thành phần tham gia hơn nữa, mà trong đó chủ lực là các doanh nghiệp lúa gạo, các hiệp hội và cả các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

ST25 đạt giải nhất trở thành gạo ngon nhất thế giới chỉ mới là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, thậm chí là của tỉnh Sóc Trăng nữa, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo ST nói riêng đi xa hơn và tạo lập được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam sớm hơn. Đây là công việc khó, nhưng cấp bách cần phải làm, bởi nếu không, người tiêu dùng trong nước và thế giới sẽ dần quên lãng, giá trị giải thưởng quốc tế sẽ chỉ còn là ký ức của những người làm ra nó.

Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung có không ít những mặt hàng nông, thủy sản được xếp vào hàng đặc sản nhưng chuyện tiêu thụ vẫn cứ bấp bênh, thu nhập nông dân vẫn chưa được nâng lên như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị chưa được thực hiện một cách bài bản, căn cơ, nên dù có quy hoạch vùng sản xuất vẫn khó duy trì được, doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu cũng khó có đủ điều kiện để thực hiện. Hy vọng, trong thời gian tới, tất cả những hạn chế trên sẽ được cải thiện để hạt gạo ST nói riêng và gạo Việt Nam nói chung có được thương hiệu và thị trường bền vững, chứ không chỉ là những giải thưởng.

Theo Báo Sóc Trăng