Chuyện nhỏ ở hợp tác xã

17/07/2020 - 14:36

Có hai con đường vào Hợp tác xã (HTX) Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, một con đường xuyên qua cánh đồng mút mắt, yên tĩnh và một con đường khác từ Thoại Sơn, tỉnh An Giang khá nhộn nhịp. HTX Hiếu Bình khai thác tối đa yếu tố địa hình khi liên kết làm dịch vụ gia công sản xuất lúa giống với Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang, Công ty Thái Bình ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang và Công ty Hiếu Nhân ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ.

Các HTX nông nghiệp ở Vĩnh Thạnh tham quan, chia sẻ kinh nghiệp tại HTX Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Dịch vụ đầu ra - đầu vô

Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có 28 HTX nông nghiệp, 3 HTX trong số này (Hiếu Bình, Thịnh Phát và Nhân Lợi) được xem là năng động và được lựa chọn để xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các hộ thành viên.

5 dịch vụ đầu vào, bao gồm: bơm tưới, làm đất, thu hoạch, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tiêu thụ sản phẩm tập trung cho các hộ thành viên. Loại nào “quá hớp” so nguồn vốn hiện có, HTX liên kết với tư nhân tại địa phương. Khai thác tiềm lực xã hội sẵn có như: máy kéo làm đất, drone (thiết bị bay không người lái) giám sát dịch bệnh cây trồng và phun xịt thuốc, máy gặt đập liên hợp giúp HTX vừa kiểm soát chi phí vừa tăng mức độ tiện ích cho các thành viên.

Dự án VnSAT tài trợ HTX một kho chứa lúa và hệ thống sấy với công suất 60 tấn/ngày. Có lẽ đó là “tiện ích” đầu tiên HTX có được để từng bước chủ động khâu bảo quản tồn trữ, phát triển ý tưởng kinh doanh.

HTX tập trung chủ yếu vào quản lý hệ thống canh tác, quản trị sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập thành viên. “Cuộc đời gia công” tạo đức tính tốt “đã hứa là làm”, “làm đâu ra đó” nhưng làm gì để cho mới mẻ hơn thì quả là rất lúng túng.

Vốn quý nhất của HTX là gì? Những người anh em làm nông ở HTX trả lời là “đất đai”. Ðúng là HTX Hiếu Bình có 800ha, trong đó 500ha chuyên làm lúa thương phẩm, sản lượng hằng năm khoảng 9.000 tấn lúa, khoảng 300ha chuyên làm lúa giống xác nhận. Nói vậy, nhưng chưa đủ vì khi hợp đồng gia công làm lúa giống, các công ty nhìn vào tay nghề và tính nghiêm túc của những nông dân giỏi được đào tạo kỹ thuật làm lúa giống ở HTX. Với chừng ấy diện tích đã đủ lớn? Thế nào là nhỏ, là vừa, là lớn - so với cái gì? So với mơ ước thì mênh mông quá! So với hợp đồng đặt hàng thì chỉ vỏn vẹn 300ha làm lúa giống xác nhận. Lúa thương phẩm vẫn bấp bênh! Muốn hợp đồng làm lúa giống - loại có tên tuổi, đạt chuẩn gạo ngon thế giới - để lấy đó làm câu chuyện thương hiệu, nhưng đối tác nói: “Ồ hay quá, ý tưởng thật tốt”. Nhưng chẳng ai bàn tới nữa.

ÐBSCL có 1.928 HTX nông nghiệp, thu hút trên 530.000 thành viên. Khi làm việc với Ðồng Tháp, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, thách thức lớn nhất của các HTX Việt Nam nói chung, ÐBSCL nói riêng là đất đai nông nghiệp thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành liên quan. Trong khi đó, từng nông hộ, tới HTX loay hoay với manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu nên khi đứng trước yêu cầu lớn hơn, bài bản, căn cơ hơn, thị trường bền vững hơn thì cảm nhận thiếu trước hụt sau, tương lai là khoảng trống, phải ném đá dò đường.

Nhìn ra - nhìn vô để phát triển

Nhật Bản, Hàn Quốc luôn là hình mẫu của HTX vì cùng là dân châu Á. HTX là động lực tái cơ cấu nông nghiệp của nhiều nước sau chiến tranh và là lực lượng cạnh tranh khiến các công ty “yếu yếu” phải dè chừng.

Năm ngoái, thị phần bao tiêu sản phẩm nông sản của thành viên HTX thông qua hệ thống giao tiếp thị trường: gạo chiếm 90%, rau quả chiếm 48% và các sản phẩm từ chăn nuôi. Ðể trợ giúp việc tiêu thụ nông sản cho các HTX nông nghiệp tại  các chợ  bán buôn trong cả  nước, Chính  phủ Nhật  Bản đã ban hành Luật Bán buôn. Theo đó, các chợ đầu mối bán buôn trên phạm vi cả nước sẽ trả một khoản hoa hồng cho người bán buôn các loại hàng hóa dễ bị hư như: rau củ, trái cây, hoa, nông sản, thủy sản… theo tỷ lệ tiền lãi bán hàng. Ví dụ: rau các loại: 8,5%, quả các loại: 7,0%, thủy sản: 5,5%, thịt: 3,5%, hoa tươi các loại: 9,5%,… Nhờ đó thị phần bán buôn của các HTX khá cao (rau các loại: 80,3%, quả các loại: 57,2%, thủy sản 68,6%, thịt bò: 22,5%, thịt heo: 12,8%, hoa các loại: 83,7%…).

Ðể có những con số này, là một sự thay đổi lớn trong tư duy chiến lược của Nhật Bản, định hình từ năm 1960.

“Hiện nay, tại Nhật, xu hướng của các HTX đang giảm số lượng và tăng quy mô từng HTX”, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, nói: “Trong khi HTX của mình làm lúa, bán lúa, HTX các nước đã mở rộng dịch vụ, bán gas, bán bảo hiểm, kinh doanh đủ mọi thứ”.

Có một thực tế, tư duy HTX nông nghiệp phải gắn nông thôn mới và mọi suy nghĩ thông thường là tập trung hết năng lượng cho 19 tiêu chí theo định dạng sẵn có, không cần suy nghĩ gì thêm nữa!   

Theo báo cáo Khảo sát Kinh tế HTX của Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á (ICA) năm 2019 trên toàn cầu, của 1.049 HTX có doanh thu trên 100 triệu USD, trong đó, lựa chọn ra 300 HTX lớn nhất có tổng doanh thu là 2.034 tỉ USD, theo đó, 7 quốc gia có từ 10 HTX trở lên nằm trong top các HTX lớn nhất thế giới là Mỹ (85); Pháp (38); Ðức (30); Hà Lan (18); Nhật Bản (18); Ý (14); Phần Lan (10). 300 HTX lớn nhất toàn cầu hoạt động trong các lĩnh vực: bảo hiểm, thực phẩm; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ tài chính; dịch vụ điện nước; công nghiệp; y tế, đào tạo và dịch vụ xã hội; ngư nghiệp và nhà ở...

Hành trình chuyển đổi

Các nhà kinh tế học cho rằng sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp của một nước phụ thuộc vào điểm xuất phát, chiến lược và chính sách thực hiện trong nông nghiệp. Tại Nhật có hai quan điểm chính đối với thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp: Thứ nhất, nhấn mạnh vào những vấn đề đang đặt ra trong cơ cấu nông nghiệp và cần phải thay đổi trực tiếp cơ cấu đó, thường thấy ở những chương trình cải cách nông nghiệp toàn diện. Thứ hai, nhấn mạnh những vấn đề nảy sinh trong cơ cấu nông nghiệp nhưng lại tìm cách để cải thiện cơ cấu hiện có và thay đổi sản xuất và mối quan hệ của nông nghiệp với các ngành khác, thường là những chương trình cải cách nông nghiệp từng bước và các giải pháp tập trung vào tăng cường tính hiệu quả và sản xuất và thị trường. Thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản thuộc vào cách thứ hai khi Chính phủ nhấn mạnh vào các vấn đề quy mô trang trại và hiệu quả.

“Ngày nay, làm nông ở Nhật không chỉ là để kiếm sống mà còn vì những mục tiêu khác như giải trí hoặc để có một môi trường sống tốt hơn”, TS Hải nói.

Những thay đổi trong nông nghiệp Nhật Bản, bao gồm: thay đổi cơ cấu sản phẩm, thay đổi lực lượng lao động và thay đổi quy mô trang trại.

Về cơ cấu sản phẩm: Năm 2007, tỷ trọng của ngành chăn nuôi chiếm 30,2% tổng giá trị sản lượng của ngành Nông nghiệp trong khi giá trị sản lượng của rau xanh, liên tục tăng từ 9,1%  năm 1960 lên 18,5% năm 1980, lên 23,1% năm 2000 và đến năm 2007 là 25%.

Luật Nông nghiệp cơ bản được thực hiện vào năm 1961 đã chú trọng việc lựa chọn nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp thay vì chỉ trồng lúa, đồng thời khuyến khích quản lý nông trại có hiệu quả. Tỷ trọng của gạo trong tổng giá trị sản lượng nông nghiệp từ 47% năm 1960 xuống còn 22% năm 2007. Tiêu dùng gạo trên đầu người đã giảm từ 120kg năm 1962 xuống còn 60kg năm 2006.

Về lực lượng lao động: Theo định nghĩa của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp (MAFF) Nhật Bản, sau đệ nhị thế chiến, một hộ gia đình có đất canh tác từ 0,1ha (1.000m2), cho dù không đáp ứng về tiêu chí đất canh tác nhưng có hóa đơn chứng minh giá trị bán nông phẩm ở một mức nào đó họ vẫn được xem là đơn vị cơ bản. Mức bán nông phẩm thay đổi theo các giai đoạn khác nhau, năm 1965 là 30.000 yên, năm 1985 tăng lên 100.000 yên và năm 1990 là 150.000 yên. Do đó thước đo nông hộ gắn diện tích, lao động toàn thời gian hay bán thời gian và năng lực sản xuất. Từ sau cuộc điều tra năm 1990, nông hộ được phân loại thành nông hộ tự cấp và nông hộ sản xuất để bán hàng hóa, còn gọi là “Nông hộ thương phẩm”.

Ino Mayu (bên phải) trao đổi với Nguyễn Văn Phong - Cantho Farm về ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý nông trại.

Nông hộ thương phẩm lại được chia thành 3 loại: Nông hộ chuyên kinh doanh nông nghiệp (business farm household), có thu nhập từ nông nghiệp chiếm trên 50% tổng thu nhập của hộ gia đình; Nông hộ bán kinh doanh nông nghiệp (semi-business farm household) thu nhập từ nông nghiệp chiếm dưới 50% tổng thu nhập của hộ gia đình. Cả hai loại nông hộ này đều có thành viên trong gia đình dưới 65 tuổi tham gia làm nông nghiệp trên 60 ngày trong một năm. Nông hộ coi kinh doanh nông nghiệp là nghề phụ (side-business farm household), không có thành viên nào trong gia đình tham gia vào việc kinh doanh nông nghiệp, không có ai dưới 65 tuổi tham gia làm nông nghiệp tới 60 ngày trong một năm.

Về quy mô nông trại: Diện tích đất canh tác trung bình cho một nông trại ở Nhật đã tăng từ 1ha năm 1960 lên 1,64ha năm 2005 và tiếp tục tăng lên 1,83ha năm 2007 (MAFF 2008). Năm 2005, quy mô nông trại dưới 1ha ở các tỉnh của Nhật Bản chiếm 25,5%, số nông trại có quy mô 1-2 ha chiếm 27,7% và đặc biệt nông trại có quy mô 5-10ha đã lên tới 10,5%. Hiện nay nhiều điền trang có quy mô trung bình lên đến 100ha.

Luật Phát triển nông nghiệp năm 1975 và Luật Khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp năm 1980 cho phép thuê đất giữa những nông dân. Sau khi hết hạn hợp đồng, đất cho thuê sẽ tự động trở về chủ cũ. Các cấp chính quyền địa phương làm trung gian cho việc thuê đất.

Từng sống ở Việt Nam 23 năm, Ino Mayu, chuyên gia nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS tại Bến Tre và Ðồng Tháp (sau khi đã giúp Hòa Bình và một số nơi ở miền Bắc), chia sẻ : “Ở Nhật, mọi nông sản ra chợ phải an toàn. Không cần phải nói gì cả. Mayu giúp các bác nông dân làm mô hình bền vững. Nhiều người hỏi làm việc này liệu sẽ thay đổi thu nhập…?”.

“Ở Việt Nam nguồn hàng ra chợ chưa an toàn hơi bị nhiều còn hàng an toàn thì bị đánh đồng, khổ lắm. Vì vậy nên thay đổi từ nhóm nhỏ lan ra cộng đồng và sự đồng thuận làm hàng sạch, an toàn trong những cộng đồng nho nhỏ sẽ là nền tảng cho những thay đổi lớn hơn. Các bác HTX nên là đầu tàu cho hành trình chuyển đổi này”, Ino Mayu nói.

Theo CHÂU LAN (Báo Cần Thơ)