Hội thảo đầu bờ, lựa chọn giống lúa tốt để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: MINH HIỂN
Xuất khẩu tăng
Có được điều đó là do xuất khẩu gạo trong những tháng qua tốt dần lên, thị trường nội địa tiêu thụ mạnh hơn. Thời điểm này, lúa tươi giống OM 18 được thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/kg, OM 5451 có giá từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa ST 24 có giá từ 6.600-6.800 đồng/kg... cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân thu về lợi nhuận từ 35-40%.
Có 2 nguyên nhân giúp giá lúa trên đồng tăng, đó là xuất khẩu đã khởi sắc trở lại, giá gạo Việt Nam hiện đã cao hơn gạo của Thái Lan và Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (tính đến thời điểm hiện nay). Nguyên nhân thứ 2, dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhu cầu gạo của thế giới tăng mạnh, tại thị trường nội địa, tâm lý lo sợ thiếu lương thực đã làm cho nhiều doanh nghiệp (DN), hộ gia đình tăng dự trữ lương thực, trong khi vụ hè thu hiện nay tại ĐBSCL đã ở vào thời điểm cuối vụ, từ đó tất cả các loại lúa có biểu hiện “hút hàng”.
Trên bình diện thế giới, năm nay Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra dự báo, trong 2 năm 2020-2021, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới sẽ đạt đỉnh với sản lượng gạo toàn cầu đạt khoảng 510 triệu tấn (trong cả năm 2020, tức tăng 1,7% so năm 2019). Con số này cao hơn mức dự báo được đưa ra hồi tháng 6 và hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã “mở hầu bao” tiến hành nhập gạo của Việt Nam. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 1,9 tỷ USD, tăng gần 11% so cùng kỳ năm 2019.
Riêng các DN ở An Giang, 7 tháng đầu của năm 2020 đã xuất khẩu đạt 302.480 tấn, tương đương 162,4 triệu USD, tăng 4,36% về lượng và tăng 10,56% về kim ngạch. Cùng với đó là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đã có những tác động tích cực đến ngành hàng lúa, gạo trong nước.
Hiệp định chính thức có hiệu lực, mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu, mở ra triển vọng mới cho ngành hàng lúa, gạo Việt Nam. Hiện nay, giá lúa của các DN Việt Nam xuất khẩu nằm mức 478-482 USD/tấn (đối với gạo 5% tấm), đây là mức giá khá tốt so với trước đó.
Tuyển chọn các giống lúa cho chất lượng gạo ngon, phục vụ xuất khẩu đang được các nhà khoa học tiếp tục thực hiện
Nội địa mua mạnh
“10 năm trở lại đây, chưa có năm nào lúa hè thu có giá như năm nay. Lúa có giá, việc mua bán diễn ra dễ dàng. Thương lái tìm đến ruộng, đặt cọc trước cả tháng và hẹn ngày cắt rất chính xác” - ông Trần Văn On (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ. Gia đình ông On trong vụ hè thu sản xuất 3ha lúa OM 9582, năng suất bình quân đạt gần 6 tấn/ha. Những ngày qua, giá lúa trên đồng tăng mạnh, gia đình ông bán được 6.200 đồng/kg, bình quân mỗi công, ông lời được gần 3 triệu đồng.
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống hơn 249.000ha lúa và hoa màu, trong đó lúa xuống giống được 231.000ha, đạt 100,64% so kế hoạch. Tính đến thời điểm này, diện tích thu hoạch đạt gần 70%. Cơn bão số 2 vừa qua, do giông lốc mạnh đã làm lúa ở một số vùng bị đổ ngã, khiến năng suất giảm. Tại TX. Tân Châu, sau chuyến thị sát tình hình lúa đổ ngã của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, UBND TX. Tân Châu đã có đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần để giúp những nông dân có lúa bị đổ ngã giảm bớt khó khăn.
Xuất khẩu gạo phục hồi, thị trường tiêu thụ lúa, gạo nội địa tăng mạnh là cơ hội cho người trồng lúa hiện nay bởi sản xuất không phải lo đầu ra. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể ngành hàng lúa, gạo trong những năm gần đây cho thấy, yếu tố bền vững của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo hiện nay vẫn chưa có, bởi thị trường nhiều lúc cung vượt cầu; công tác dự báo thị trường còn nhiều hạn chế, việc thực hiện “Cánh đồng lớn” để DN chủ động trong khâu nguyên liệu, phục vụ xuất khẩu vẫn chưa được đảm bảo, phong trào kinh tế hợp tác nhiều lúc, nhiều nơi chưa mạnh, tính liên kết trong sản xuất còn rời rạc, đây là điều rất dễ dẫn đến rủi ro trong sản xuất và thị trường.
Để người trồng lúa có được đời sống ổn định, việc xem xét, củng cố những vấn đề vừa nêu là rất quan trọng, bởi trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc sản xuất lúa phải tính đến chất lượng, sản lượng, giá thành, có vậy thì gạo Việt Nam mới có thể mang tính vượt trội so với đối thủ cạnh tranh, tiếp tục được xuất khẩu mạnh, đời sống nông dân mới có thể ổn định.
“Nếu giá gạo nội địa tăng lên theo quy luật cung - cầu của thị trường thế giới là tín hiệu tốt, còn ngược lại, nếu tăng theo cảm tính, nghĩa là nhìn thấy thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, từ đó suy luận ra rồi đồng loạt trữ hàng để đầu cơ, chờ giá… thì rất nguy hiểm, bởi đã đầu cơ, găm hàng dễ dẫn đến hiện tượng sốt ảo, thị trường biến động bất thường…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.
Bài, ảnh: MINH HIỂN