Công an tỉnh Tiền Giang: Vững vàng trên mặt trận phòng, chống tội phạm

30/03/2023 - 09:19

Phát huy tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, những năm qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, tội phạm công nghệ cao, tham nhũng, môi trường, mua bán người… góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

TẤN CÔNG, TRẤN ÁP TỘI PHẠM

Trong năm 2022, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cơ bản được đảm bảo ổn định, trong đó một số loại tội phạm được kiềm giảm như: Cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Tuy nhiên, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (chiếm khoảng 70%); tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gia tăng. Tình hình băng nhóm cơ bản co cụm, đặc biệt trong năm không phát sinh tội phạm có tổ chức, băng nhóm tội phạm để đơn vị khác triệt xóa.


Công an tỉnh Tiền Giang tấn công đường dây tội phạm công nghệ cao tại Công ty Pháp Việt.

Bên cạnh đó, tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy được phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2021 và năm 2019, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ 123 vụ, 149 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; đáng chú ý thời gian gần đây đã khám phá nhiều hiềm nghi, chuyên án về ma túy như khám phá chuyên án ma túy ở huyện Cái Bè, thu giữ hơn 2,6 kg ma túy các loại...

Còn tội phạm cờ bạc được phát hiện, xử lý hiệu quả (triệt xóa 321 tụ điểm cờ bạc, xử lý 2.022 đối tượng, trong đó khởi tố 58 vụ, 222 bị can về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc). Song song đó, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường đã phát hiện 221 vụ, 314 đối tượng (đã xử phạt 210 trường hợp, số tiền trên 12 tỷ đồng); trong đó phát hiện xử lý 103 trường hợp khai thác cát trái phép.

Riêng tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cờ bạc qua mạng (đã khám phá chuyên án đấu tranh nhóm đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua bán số đề ăn thua bằng tiền, khởi tố 3 đối tượng). Đặc biệt, mới đây Công an tỉnh Tiền Giang đã triệt xóa đường dây tội phạm công nghệ cao tổ chức “núp bóng” công ty tư vấn luật thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố, nhằm cưỡng đoạt tài sản hàng ngàn người.

Cụ thể, công ty mang tên Pháp Việt, trụ sở tại tòa nhà “T&T Dancesport”, địa chỉ số 7, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh thành lập từ tháng 4-2020, có khoảng 200 nhân viên, thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân, còn 2 Phó Giám đốc điều hành hoạt động, 2 trưởng phòng, 19 nhóm (mỗi nhóm từ 8 đến 20 người) chuyên đòi nợ thuê dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý.

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Bên cạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác tuyên truyền cũng được các ngành, các cấp, lực lượng Công an đẩy mạnh trong thời gian qua. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân các văn bản quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm thông qua các cuộc họp dân, cơ quan, hội nghị, hội thi, tập huấn… với trên 4,3 triệu lượt người tham dự.

Thực hiện hàng chục ngàn pano, băng rôn, tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm, thông báo tình hình an ninh trật tự (ANTT); đưa tin, bài, ảnh, phóng sự, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông, trang Zalo Công an các cấp, Đài phát thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm… Qua đó, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.330 tin mới trên tổng số 2.889 tin báo, xác minh giải quyết 2.618 tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,3%; khởi tố mới 1.269vụ/1.395 bị can, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Song song đó, Công an tỉnh còn tổ chức tổng kết, đánh giá những xã điểm, mô hình hay hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nhân rộng ra các địa phương. Cụ thể, nhân rộng 8 xã trên địa bàn tỉnh từ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, mô hình “Đảm bảo ANTT” trên địa bàn xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 22 mô hình phòng, chống tội phạm, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”; “Camera phòng, chống tội phạm”; “Bảng hiệu đường dây nóng phòng, chống tội phạm”; “Thêm yêu cuộc sống, thắp sáng niềm tin”; “Tổ An ninh công nhân”; “Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT”; “Khu nhà trọ công nhân tự quản về ANTT”; “Tổ Công nhân, sinh viên tự quản”, “Đảm bảo ANTT”; mô hình Xã điển hình về phòng trào “Toàn dân bảo về an ninh Tổ quốc”…

QUYẾT TÂM KÉO GIẢM TỘI PHẠM

Theo đánh giá của Đại tá Phan Văn Trảng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị tổng kết phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, mặc dù tình hình tội phạm hình sự kéo giảm nhưng vẫn tăng cao so với những năm trước đây. Công tác tấn công, xử lý các loại tội phạm còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tệ nạn cờ bạc, lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật, tệ nạn ma túy… vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.


Lực lượng công an kiểm tra một trong các trụ sở cho vay F88 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung địa bàn khu dân cư; chưa phát triển trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Song song đó, lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở, nhất là Công an xã, phường, thị trấn do tập trung thực hiện nhiều đề án quan trọng của Bộ Công an nên công tác xây dựng phong trào có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Thời gian tới, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm. Lực lượng Công an các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; đặc biệt là tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội, người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư.

Công an các cấp cần rà soát, đánh giá, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ tỉnh đến cơ sở; củng cố nâng cao hiệu quả lực lượng nòng cốt ở cơ sở, trong đó quan tâm đề xuất củng cố tổ chức, đào tạo, huấn luyện, trang bị, chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách; trang bị công cụ, phương tiện và quy định quy chế hoạt động của Bảo vệ dân phố, Đội Dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.

Song song đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm (phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội); giải quyết triệt để điều kiện nảy sinh tội phạm ngay từ cơ sở, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế, ma túy, môi trường; triển khai thực hiện có hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật bảo đảm ANTT dịp lễ tết... Đồng thời, lực lượng Công an nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án và chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Lực lượng Công an các cơ sở tăng cường kiểm tra, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… không để tội phạm lợi dụng mua bán, sản xuất, tổ chức chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đặc biệt, các địa phương tiến hành rà soát, xác minh, lập danh sách những nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài đã xác định được tên tuổi, địa chỉ đang ở nước ngoài (qua đơn thư của gia đình nạn nhân, qua công tác nắm tình hình hoặc thông qua các nguồn tài liệu khác) để báo cáo đề nghị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp nước bạn giải cứu nạn nhân.

Lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt quy chế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên trao đổi thông tin về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người để có kế hoạch phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người…

Theo TUẤN LÂM (Báo Ấp Bắc)