Cùng con trải nghiệm

04/05/2022 - 10:20

Không gian đô thị nhỏ hẹp, thiếu sân chơi. Đặc biệt, sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 thì các bé ở đô thị càng thèm được thư giãn ở những khu vui chơi hoặc những nơi có không gian thoáng đãng, hòa mình với thiên nhiên… Nhiều phụ huynh ở đô thị đã cùng con vui chơi, trải nghiệm để vun đắp tình yêu thương và rèn luyện kỹ năng.

A A

Tặng con món quà từ thiên nhiên

Vợ chồng chị Võ Tường Vi (xã Thanh Đức- Long Hồ) vừa đưa 2 con trai là bé Pisu (13 tuổi) và bé Supi (9 tuổi) đi du lịch ở “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt.

Chuyến đi này, anh chị cho các con ở nhiều địa điểm khác nhau để trải nghiệm. Khi là một homestay sâu hút trong đồi để ngắm bình minh và hoàng hôn lãng đãng sương mù.

Khi là một khách sạn ngay chợ Đà Lạt để các con hiểu hơn nhịp sống vui tươi về đêm nơi phố núi. Khi là villa De Charme bên dốc cao nơi căn phòng áp mái có thể nằm ngắm cả bầu trời đêm...

Với chị, “tặng cho các con mình món quà ý nghĩa từ thiên nhiên và cuộc sống là món quà ao ước để các con biết trân trọng thiên nhiên, biết yêu môi trường và các loài động vật.

Tôi không mua sắm cho các con quá nhiều, chỉ mua những gì cần thiết nhưng những chuyến đi trải nghiệm thực tế thì sẽ cố gắng sắp xếp và đồng hành cùng con”- chị Vi chia sẻ.

Cùng con bắt cá, đi xuồng chèo, coi làm bánh… ở miệt vườn.

Cùng con bắt cá, đi xuồng chèo, coi làm bánh… ở miệt vườn.

Để trẻ hòa mình vào thiên nhiên, không gì tuyệt vời hơn khi thấy mắt con ngời sáng long lanh, xuýt xoa, reo vui bên những cánh đồng lúa, những vườn cây xanh mát, ngắm con cò đậu trên đám lục bình của khúc sông quê.

Bên cạnh, còn được tận mắt thấy các cô chú làm kẹo dừa, làm cốm và ăn những món quà quê vừa ra lò ngon lành.

Bé Xoài (4 tuổi) và các bạn nhỏ đến từ TP Hồ Chí Minh vừa có 2 ngày cuối tuần vui như thế khi vừa được ba mẹ cho chuyến du lịch miệt vườn ở cù lao An Bình (Long Hồ).

Các bé “trước lạ sau quen” nhanh chóng chạy giỡn vui đùa cùng nhau ở nhà cổ homestay Út Trinh thoáng đãng. Các bé được ba mẹ chở đi dạo vườn bằng xe đạp giữa vườn cây xanh mát, ngồi xuồng chèo quanh các con rạch nhỏ, được tận mắt nhìn và nghe người lớn diễn giải về những rặng bần trồng ở mé sông để giữ đất. Bé Xoài thích thú reo lên: “Con thấy 2 con ngỗng, con ngỗng kêu quang quác, biết đuổi người lạ”.

Cùng con trải nghiệm, rèn kỹ năng

Lần đầu tiên được tát mương bắt cá, bé Cà Rốt (6 tuổi) hò reo khi chính tay sờ được con cá lóc đang vẫy vùng trong bùn đen mà “con hỏng thấy sợ chút nào!”.

Sau đó, được mặc áo phao vẫy vùng tắm sông mát rượi. Xế chiều, các con vô bếp xem các cô, các chị đổ bánh xèo nhân tép và hến, cùng ngồi ăn những cái bánh xèo vàng giòn rụm ngon lành. Tối đến, các con được xách đèn dầu cùng đi bộ với mọi người để đến điểm xem đờn ca tài tử.

“A! con đom đóm sáng lấp lánh trên cây kìa mẹ”- các bé reo lên khi thấy những ánh sáng lung linh nhỏ nhoi của đom đóm trong những bụi sơ ri tối om. Cô Trinh bắt vài con để các con được ngắm nghía cận cảnh rồi thả chúng về với thiên nhiên.

Phụ huynh “lên lịch” cùng con viếng thăm di tích lịch sử, văn hóa, nơi lưu dấu tiền nhân…

Phụ huynh “lên lịch” cùng con viếng thăm di tích lịch sử, văn hóa, nơi lưu dấu tiền nhân…

Chị Nguyễn Kim Thoa- mẹ bé Xoài cho biết: “Lần đầu tiên bé Xoài được đi du lịch miệt vườn vui quá. Nhìn con được cười vang sảng khoái, tự do chạy nhảy nô đùa thỏa thích và tự làm quen thêm được nhiều người bạn mới chị thấy chuyến đi rất ý nghĩa”.

Chị Phạm Mai Anh- mẹ bé Cà Rốt cho biết, sau mỗi chuyến đi, chị thường chơi trò đố vui, thủ thỉ cùng con về những trải nghiệm của chuyến đi. Con huyên thuyên kể về chú chó nhỏ, mèo con dễ thương như thế nào, cách trò chuyện và chăm sóc chúng.

Và còn nói về trải nghiệm ở vườn trái cây xum xuê, cánh đồng lúa mênh mông, về núi cao và biển rộng… Từ đó, chị nhận thấy “việc dành thời gian cùng con đến những nơi có khung cảnh đẹp, có truyền thống lịch sử văn hóa, được mắt thấy tai nghe, được học kỹ năng sống thật thú vị và bổ ích”.

Theo ThS. tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm Ứng dụng tâm lý giáo dục An Nhiên- TP Hồ Chí Minh), học không phải và không nên chỉ gói gọn trong nhà trường hay gia đình, trong trung tâm hay trên Internet, mà còn nên diễn ra trong những chuyến đi thực tế.

Những nơi trẻ đến, những người trẻ gặp, những tình huống bất chợt xảy đến từ thiên nhiên, cuộc sống, sẽ cho trẻ trải nghiệm từ cách hành xử, giao tiếp giữa mọi người với nhau. “Những người lớn lên bằng trải nghiệm, bước đi bằng sự mạnh mẽ của đôi chân, giải quyết vấn đề bằng kiến thức, năng lực, kỹ năng có được sẽ dễ đạt được sự cân bằng trong đời sống hơn những người khác”- chuyên gia tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ

Theo Báo Vĩnh Long