THU GOM HÀNG CHỤC TẤN RÁC THẢI
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường là một trong các hoạt động thiết thực do công ty phối hợp các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh phía Nam triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về công tác bảo vệ môi trường. Các thành viên của công ty đã cùng nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đưa tới các điểm thu gom đã chuẩn bị sẵn sàng và chở tới địa điểm xử lý lượng rác thải này theo đúng quy định.
Chương trình nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành, đặc biệt là thu hút sự tham gia của đông đảo nông dân trên khắp các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 1 từ ngày 15-11-2022 đến 4-1-2023, chương trình có 22 hợp tác xã tham gia tại 18 điểm chính trên địa bàn 5 tỉnh Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang, đã thu gom hơn 6 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Số bao bì này được đơn vị chuyên nghiệp đưa đi tiêu hủy đúng quy định.
Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp nông dân Giồng Tượng, huyện Giang Thành (Kiên Giang) thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật.
Sau thành công của giai đoạn 1, chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường tiếp tục giai đoạn 2 từ ngày 5-1 đến 3-3-2023, mở rộng hơn với 28 hợp tác xã thuộc 6 tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng tham gia. Kết quả giai đoạn này, chương trình thu gom được gần 9 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đem đi tiêu hủy đúng quy định.
THAY ĐỔI NHẬN THỨC, HÀNH VI
Theo đồng chí Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tình trạng nông dân vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, kênh rạch vẫn còn xảy ra, làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Người dân vẫn chưa có thói quen thu gom, phân loại các loại rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp.
Với mong muốn thay đổi nhận thức, hành vi của nông dân trong việc phân loại, xử lý rác thải sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang tích cực tuyên truyền, tập huấn kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, tác hại của rác thải thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn cách thu gom, tiêu hủy rác thải thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định.
Đồng thời phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng, tổ chức các đợt ra quân thu gom vỏ chai, bao bì, tập kết và mang đi tiêu hủy. Sau mỗi đợt, hợp tác xã có số lượng rác thải được thu gom nhiều sẽ được trao các phần thưởng khích lệ, động viên, giúp nông dân hăng hái tham gia hơn.
Hợp tác xã nông nghiệp nông dân Giồng Tượng, huyện Giang Thành (Kiên Giang) là một trong những hợp tác xã điển hình thực hiện tốt công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Kiên Giang. Năm 2022, thành viên hợp tác xã thu gom hơn 2 tấn vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Trên những cánh đồng đều có bố trí bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc. Nông dân dần thay đổi được thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sau sử dụng được thu gom, bỏ vào các bể chứa. Nhờ vậy, trên các cánh đồng không còn vỏ chai vứt bừa bãi.
Ông Dương Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp nông dân Giồng Tượng, cho biết nhận thức được tác hại của việc vứt vỏ chai thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tác hại không tốt đến môi trường sống, hợp tác xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thành viên thu gom, bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ.
Hợp tác xã còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất như kỹ thuật tưới tiêu thông minh, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm đáng kể số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo THÙY TRANG (Báo Kiên Giang)