TS. Nguyễn Văn Kiền (bìa trái) thường xuyên có những cuộc họp ngay tại ruộng lúa mùa cùng bà con nông dân xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn- An Giang).
Hành trình mới trải qua 8 năm, nhưng thành quả và những tín hiệu ban đầu cho thấy những bước đi bền vững với một khát vọng lớn lao.
Mà người khởi xướng và bền bỉ gầy dựng nên cuộc hồi sinh cho cây lúa mùa là nhà khoa học trẻ- TS. Nguyễn Văn Kiền (ĐH Quốc gia Úc) cùng các cộng sự của mình ở Trường ĐH An Giang.
Bắt đầu vụ thu hoạch lúa mùa hồi tháng 1/2013 trên vùng đất Tri Tôn (An Giang), tiếp nối vụ mùa năm 2014 và 2015, đều đạt năng suất 1,5 tấn/ha và giá bán tại ruộng là 14.000 đ/kg.
Mọi người phấn khởi, hăm hở bước vào thu hoạch lúa mùa thứ 4, thì năm 2016 gặp thời tiết khô hạn nặng, nước nổi hầu như không về đủ cho cây lúa mùa phát triển lại còn rút sớm, tạo cơ hội cho lũ chuột đồng xâu xé gần hết cánh đồng, bà con thu hoạch chỉ được vài bao lúa trên mỗi héc ta.
Có hộ mất đến 70- 80%, có hộ mất trắng. Nhưng bà con vẫn không nản lòng, mà tiếp tục gầy dựng lại với số giống ít ỏi do Trung tâm Nông nghiệp- PTNT (ĐH An Giang) còn lưu giữ lại.
Đây là số lúa giống có được từ nguồn cung cấp ở huyện Chợ Mới (An Giang) và Tân Long (Đồng Tháp) gửi tặng bà con.
Giờ đây, cây lúa mùa đã cắm rễ bền chặt trên một số vùng đất của 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, cây lúa mùa đã “cặm rễ” trong lòng bà con nông dân nơi đây và là niềm hứng khởi, tạo động lực cho TS Nguyễn Văn Kiền cùng các cộng sự của mình tiếp tục công việc thầm lặng mà vô cùng gian nan trên mỗi chặng đường.
Cá đồng sinh sản rất nhiều trên ruộng lúa mùa nổi.
Theo bà con nông dân, thật ra thu nhập từ cây lúa mùa không phải là thu nhập chính, nhưng giá trị của nó mang lại là không thể đo đếm được về mặt giá trị di sản văn hóa, khôi phục nhanh chóng hệ sinh thái động thực vật bản địa vô cùng phong phú; đất đai được cải tạo độ phì nhiêu thấy rõ.
Ngoài vụ lúa mùa trong năm, thì thời gian còn lại nguồn thu nhập từ lấp vụ trên nền lúa nổi đã đem lại cho bà con hiệu quả kinh tế rất lớn, đó là những lợi ích cây lúa nổi mang lại cho cánh đồng và nông dân mà khó có giống cây nào có thể sánh bằng.
Ở vùng Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn- An Giang), bà con gọi anh Hùng Tâm là “vua kiệu”, ông Tư Khâm là “vua mì”… và còn nhiều “vua ớt”, “vua bắp”, “vua khoai môn” được bà con phong tặng do làm giàu lên từ những giống cây trồng lấp vụ, trong khoảng thời gian sau khi thu hoạch cây lúa mùa.
Mỗi 1 công kiệu có thể cho thu nhập khoảng 15- 20 triệu, khoai mì cũng cho lời từ 5- 6 triệu đồng/công, như vậy mỗi công khoai mì cũng cho thu nhập hơn cả việc trồng 3 vụ lúa cao sản rồi.
Lý do những loại cây lấp vụ phát triển tốt, cho năng suất cao chính là nhờ trồng trên đất cây lúa nổi; cùng với lượng phù sa màu mỡ thì lớp rạ dày đặc biệt cùng với rơm lúa mùa là vô cùng cần thiết cho những cánh đồng kiệu và các loại cây khác.
Lớp rạ quá dày đã hạn chế cỏ và giữ ẩm tuyệt vời cho đất. Nhờ rạ, mà cả mùa khô người dân nơi đây tốn rất ít chi phí tưới tiêu.
Những giá trị này thường ít được tính toán trong phân tích chi phí- lợi ích khi mà đem so sánh giữa làm lúa nổi với lúa cao sản. Người ta chỉ lấy năng suất để so sánh, ít ai lấy lợi nhuận để so sánh… đó là cái xu hướng chung của nông dân.
Cánh đồng lúa mùa ở Tri Tôn (An Giang).
TS. Nguyễn Văn Kiền phân tích: “Điều này làm tôi suy nghĩ và tìm hiểu giá trị của cả hệ thống lúa mùa nổi. Chúng tôi đã khảo sát, thử nghiệm nhiều mô hình luân canh khác nhau trên nền lúa mùa nổi, và cho thấy bảo tồn lúa mùa nổi nhưng ăn từ cây màu.
Ngoài ra trong mùa nước nổi, cá linh, cá rô, cá sặt, cá lóc, cá trê đồng về trú ẩn khá nhiều. Bà con nói sáng hút điếu thuốc thả vài tay lưới là kiếm vài ký cá linh, rô… ăn đến mấy ngày, đôi lúc có dư để bán kiếm tiền cà phê.
Trong khi tài nguyên cá đồng ở những nơi làm lúa 3 vụ khép kín càng ngày cạn kiệt, thì lúa mùa nổi là chỗ trú ẩn tuyệt vời, là nguồn dinh dưỡng trời cho của bà con chốn bưng biền này.”
Vậy là họ cùng ngồi lại với bà con để phân tích tính toán ra từng lợi ích mà bà con có được từ trồng lúa mùa nổi, cùng nhau cộng trừ nhân chia và ra được con số rất thuyết phục. Vậy là cây lúa mùa nổi cứ tiếp tục được duy trì cho đến năm nay.
Có năm nước lũ về sớm hơn, chụp cả đồng ruộng, thì bà con không bị mất vì chuột mà mất do lũ chụp sớm quá, lúa mọc chưa kịp, dẫn đến hao hụt.
Tuy nhiên, điều này cũng không làm chùn bước trồng lúa mùa nổi của bà con xã Vĩnh Phước, xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn- An Giang), Mỹ Lợi (xã Mỹ An, huyện Chợ Mới- An Giang) và Tân Long (huyện Thanh Bình- Đồng Tháp).
Theo TS. Kiền, thì dự án World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại An Giang và Đồng Tháp có đưa cây lúa mùa nổi vào chương trình sinh kế (năm 2020) và dự án của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đang thử nghiệm trồng lúa mùa nổi trong khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An).
Từ những thành quả đã thu hoạch được trên những cánh đồng nước nổi, cuộc hồi sinh lúa mùa không dừng lại chỉ ở khu vực ĐBSCL, mà chương trình bảo tồn lúa mùa nổi đã được TS. Nguyễn Văn Kiền thuyết phục các tổ chức quốc tế tiếp tục mở rộng cả ở Campuchia và Myanmar.
Hồi sinh cây lúa mùa nổi là một hành trình dài, nhưng nó đã cho thấy cái lý do, lợi ích sự to lớn của nó đối với ruộng đồng, đối với đời sống nông dân vùng nước nổi.
Theo NGỌC TRẢNG (Báo Vĩnh Long)