Theo ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến 10h20 ngày 26/9/2023, tàu BV-75307-TS của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cứu được toàn bộ 10 thuyền viên của tàu cá BL-93279-TS bị chìm trên biển.
Toàn bộ thuyền viên đã được chuyển lên tàu cá BL-93508-TS, sức khỏe ổn định.
|
10 thuyền viên tàu cá BL-93279-TS bị nạn trên biển được cứu hộ an toàn.
|
Đại tá Đào Huy Hùng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đó, khoảng 5h27 ngày 26/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận được tin báo của ông Nguyễn Đăng Tuấn (ngụ ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là chủ tàu cá BL- 93279-TS, tàu bị chìm và ông không liên lạc được với các thuyền viên trên tàu. Ông Tuấn đã đến Trạm Kiểm soát biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đề nghị các lực lượng chức năng tổ chức cứu nạn tàu cá bị chìm.
Vị trí tàu cá bị chìm cách Côn Đảo khoảng 22 hải lý về phía Tây Bắc. Không có phương tiện nào đang hoạt động gần vị trí tàu bị nạn. Trên tàu bị nạn có 10 ngư dân (trong đó có 6 ngư dân của tàu và 4 ngư dân của tàu cá khác đi nhờ vào bờ). Thời tiết khu vực gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7-8.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trực thuộc và thông báo cho các lực lượng hiệp đồng có liên quan thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm tàu cá bị nạn. Tàu SAR 272 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và tàu cá huy động là BL-93508-TS cơ động ra khu vực tàu cá BL- 93279-TS bị nạn.
Đến 10h20 cùng ngày, tàu cá BV-75307-TS của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông Nguyễn Phú Lộc (sinh năm 1972 ở ấp Tân Bình, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cứu được 10 ngư dân bị nạn, sức khỏe ban đầu của tất cả ngư dân ổn định.
10 ngư dân được bàn giao cho tàu BL-93508-TS; đồng thời, được tàu SAR 272 đón nhận và đưa vào huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để chăm sóc sức khỏe.
Chiều 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có Công điệnvề ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, yêu cầu đối với khu vực đất liền Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo đó, các đơn vị, lực lượng chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.