Chị Hai Điệp
Nhà tui đã 4 thế hệ sống trên mảnh đất này. Ba tui nói, hồi năm 1945-1946, trôi dạt từ Mỹ Tho về đây - toàn là rừng, đốn củi hầm than, cân cho ghe. Vậy mà ổng cũng ở đây, sanh con đẻ cái. Lớn lên, tui có chồng, cũng ở đây hà! Hòa bình rồi, mới phá rừng trồng lúa, nhưng đất này xấu lắm, đầu tắt mặt tối cũng chỉ 15 giạ một công.
Một giạ 20 ký, tính giùm tui coi bao nhiêu tấn một mẫu? Chị Hai Điệp muốn nghe con số 3 ngàn ký cho nó có vẻ nặng cân hơn.
Cứ lo phá rừng trồng lúa, chưa biết đào mương phèn. Cuối cùng chị cũng tìm ra nguyên nhân. Mình khai phá, nhà nước cấp đất - bề ngang 100 thước vô sâu 300 thước, qua bên kinh Hạc, cấp 100 thước vô sâu 500 thước. Nhưng bên đó hễ cháy rừng - đất sụp, lửa thiêu thực bì trong lòng đất, nên bỏ bên đó - lại về đây.
Trong ký ức của chị, kinh 10 này, hồi đó ghe xuồng không đi lại được. Sau này, cứ 1.000 thước đào một con kinh. “Mấy ổng đưa người vô bóc đất nói đất này hợp với cây mía lắm. Nhưng hai đứa em tui trồng mía cực quá, xuống sông Đốc thấy người ta nuôi tôm nên về bán đất đi nuôi tôm.
“Má mua lại đất của cậu Tửng mầy năm mấy? Chị quay qua hỏi Hùng, con rể. Ừa 7 công giá 2 cây bảy - chị Hai nhớ tới “đoạn phim” ký ức này vì huyện mời thầy về hướng dẫn mô hình lúa - mía, nhưng lúa, mía gì cũng không xong. Năm 2007, ban liếp mía nuôi tôm, làm chơi chơi mà trúng thiệt. Nhà nước tập huấn thí điểm, tui cũng đi học. Đợt đó nắng hạn oi bức quá, tôm học trò chưa chết mà tôm của thầy ngủm hết - thầy về luôn - chị Hai Điệp cười ngất nói.
Dự án hết nhưng tụi tui thì vẫn tiếp tục. Sau đó là dự án hỗ trợ phụ nữ do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tài trợ, tới nay là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF). Gọi chị là dân lâm phần, người trồng mía, trồng lúa - nuôi càng - sú - cua là tóm tắt gần hết hành trình cần lao của chị trên mảnh đất phèn mặn này.
Không một lời than thở, không một tiếng thở dài. Mọi thứ cứ như một dòng thác tuôn chảy theo tiếng cười nói rôm rả của chị.
Ruộng đất 5 mẫu, chia cho các con chỉ còn phần sau hè. Đứa nào đi làm ăn xa thì cho anh chị nó mướn. Phần của tui cũng vậy, nền thì cho hợp tác xã (HTX) mượn. Tới mùa gặt lúa hữu cơ, HTX mướn phơi lúa thì phơi mỗi đợt vài ba tấn - gọi là thời “hành hiệp” nay đã mãn.
Lúa hữu cơ ở HTX Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Vụ lúa vừa qua
“Mấy cơn mưa cuối mùa, lúa ướt, đổ ngã chèm bẹp. Ghe lúa hạ giá từ 9.000 đồng/kg còn 8.700 đồng/kg lúa hữu cơ”, chị Hai Điệp nói tỉnh queo: “Lúa thất cũng không sao, phần chìm ở dưới mới quan trọng. Tôm càng, cua đang lúc thu hoạch. Mỗi vuông chừng 400-500kg (giá 80.000 đồng/kg), giá năm nay giảm nhưng vẫn cao hơn lúa.
Có lẽ với cách tính ấy, chị Hai Điệp thu xếp cuộc sống phèn mặn của mình theo kiểu cứ lấy cái này bù đắp cái kia, rồi cũng qua hết.
Dưới kinh 10, vỏ lãi, ghe hàng tạp hóa cứ tà tà ghé vô, còn đường làng chỗ nào cân tôm càng “úp rổ” thì xe gắn máy chạy cái vèo rồi dừng lại xuống hàng. “Úp rổ là kiểu như mình lựa tôm bị ngộp chết bỏ ra, phần còn lại úp rổ cân hết”, chị giải thích: Khoảng 9 giờ sáng, lên “càng” xong, ai lo gặt cứ gặt, ai lo tôm cứ lo. Mùa này là vui nhứt mà cũng cực hơn hết vì lúa - tôm lên một lượt, công chuyện nheo luôn.
Anh Sáu Nghi, hàng xóm của chị Hai Điệp có 8ha đất, cũng cho người giỏi mướn, chỉ giữ một mẫu rưỡi trồng lúa nuôi tôm, nói: Xóm này thằng Hùng kéo tôm, mỗi con dưới một ký nó không kéo, phải trên nó mới chịu - Ý nói con rể của chị Hai Điệp.
Sáu Nghi kể lúc lúa - mía không xong, thằng bạn rủ xuống U Minh cho 100 công đất nuôi tôm dưới tán rừng. Nhưng không hiểu sao xuống đó rồi ông lại về đây.
“Đây, cái vòng gặt này làm từ cây mắm dưới đó. Bây giờ nó lên nước, nổi vân lên - đẹp hôn?” - sáu Nghi hỏi.
“Đẹp lắm, cho tui đi! Ha, ha”. Có ai đó xin. “Đâu được, đồ nghề mà”, Sáu Nghi lẹ lẹ đem vòng gặt đi cất.
Chọn lựa sinh kế
Cuối tháng 10, ngoài huyện tổ chức tổng kết mô hình tôm sú - lúa đạt chứng nhận ASC Group của xã Trí Lực, thực ra thì Hùng, con chị Hai Điệp và HTX Trí Lực đã trở thành nhà nghề nuôi 1 vụ tôm càng, 2 vụ tôm sú cộng 1 vụ lúa giống ST24 rồi. Huyện, tỉnh muốn các bên liên quan - ý nói dân và doanh nghiệp - tổ chức chứng nhận hợp tác phát triển vùng nuôi bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận.
Ở xã Trí Lực, 252 hộ, với 387 ao (564,98ha) hợp tác với Doanh nghiệp Minh Phú được cấp ASC group trên mô hình tôm lúa ở Cà Mau, nhóm đầu tiên của Việt Nam. Huyện nói cái này mở ra “cánh cửa mới” cho việc chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, Organic…) mà Cà Mau có mô hình tôm lúa gần 40.000ha, còn ĐBSCL có ít gì cũng 200.000ha.
“Dự án MCD cho máy tính, cho máy ép bọc, nói là giúp chị em phụ nữ nhưng là giúp cho cả xóm cải thiện sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu. Nhưng năm 2016, hạn hán - không có lúa, tôm không sống được. Sau này, dự án 50ha của WWF và Minh Phú hướng dẫn kỹ thuật. Họ buộc phải diệt khuẩn xử lý nước xong mới cho xổ ra sông, làm vậy tốt dữ lắm. Chị Hai Điệp công bằng mà nói: “Người ta cho tôm giống, mô tơ bơm nước, thuốc sinh học, tôm lớn bán cho ai thì bán. Nhưng trịch một chút là có người 8-9 giờ tối còn vô kiểm tra nước, coi bà con có làm đúng vậy không? Bây giờ, ở đây, khỏi tốn thuốc, công xịt.. không cần cấm xài thuốc trừ sâu vì người ta sợ chết tôm cua dưới mương”.
Cuối cùng thì kiểu gì cũng phải sống… tìm lúa chịu mặn, có ST5, ST20, ST24… chịu được, không gãy bông nên dễ làm hơn, năng suất 6 tấn/ha. “Xưa giờ, trồng lúa mùa cứng cơm, chuyển qua gạo ST, dẻo quá - thằng út tui nó nói ăn không được chắc con bịnh quá”, chị không ép, nhưng rồi thì nó cũng quen. Bây giờ tới con gà, con vịt ở đây cũng ăn tấm gạo ST. Trừ con tôm càng, còn thằng Tới làm một bụi đỏ, còn một miếng nữa của con ông Ba Khía. Giá lúa mùa 5.000 đồng một ký, cả xóm chia nhau mua để dành cho tôm càng ăn.
60-70% sản lượng lúa hữu cơ của HTX bán cho Công ty Tấn Vương, còn lại HTX đóng bao 5 ký lấy tên Hoàng Yến. Cứ chia ra, một mẫu thì bán cho Tấn Vương chừng 8-9 công, còn lại bán cho HTX. Ngoài Thới Bình, Cà Mau muốn mua gạo HTX phải dặn trước. Lúa Hữu cơ Tấn Vương xay chà vô bọc có tên tuổi lớn nên bán 1kg tới 79.000 đồng. Hoàng Yến bán với giá 24.000-25.000 đồng 1kg vì thương hiệu còn “mỏng” dù cũng xài phân hữu cơ, phân gà cho ruộng lúa, cũng xử lý vôi mương nuôi tôm… Tôm ăn lúa ngâm ủ lên mọng, ăn gạo lứt, khoai, bí… giá bằng 1/3.
Sống nhẹ nhàng
Nhìn thấy cái “máy nhai” ngoài bờ kinh, người ta nói lạc hậu quá, sao không đưa máy vô? Mương liếp hồi xưa ban ra, nền đất yếu máy xuống lún lầy không cắt được, cực nhứt là vụ gặt. Chi phí 1 công lên tới 3 triệu đồng. Nội công cắt hết 700.000 đồng, gom 250.000 đồng, chưa kể công thải mạ 500.000 đồng, phân bón tốn nhiều công…) thu 6,3 triệu đồng. Chị Hai Điệp thú thiệt: Còn tôm thì lời 10 công khoảng 50 triệu đồng, tiền lời chỉ đủ đi đám.
Ở cái vùng phèn mặn - lợ này, nói sống là chung sống với nhau. Hồi xưa người thả tôm người không nên rào chắn sợ bên em bên chị bò qua bò lại. Bây giờ thì tự nó bò qua, bò về. Mua cá chết sình dụ thì nó bò về chứ có gì. Ai cũng nuôi hết thì bò qua bò lại cũng là của dân mình. Một năm, trúng lúa thì dân bán lúa, tôm, cua, gà vịt nuôi ăn. HTX Trí Lực bán gạo Hoàng Yến để nhớ công của dự án MCD giúp từ đầu, dẫn dắt tới mô hình bền vững, đem cây hoàng yến về trồng thành đường hoa. Nước ngập chết một mớ, bây giờ gầy lại, không có gì ầm ĩ - chị Hai Điệp nói tỉnh bơ.
Đất này, xưa nay đã vậy, khó hay dễ sống là do mình hiểu tới mức nào. Phá rừng trồng mía, phá mía trồng lúa cũng không xong. Mới đầu làm lúa bị đạo ôn, đâu dám rải phân, xài thuốc gì. Thất mùa, Nhà nước hỗ trợ lúa ăn 5 tháng, sau đó chuyển từ lúa mùa 5-6 tháng qua lúa 114 ngày, trúng luôn tới giờ. Đất xấu mà cứ làm lúa thì khó là phải rồi, nhưng dựa theo nước trời làm lúa ST24, ST25 + nuôi tôm có bài bản. Bây giờ môi trường thuận lợi cho tôm càng - tôm sú - cua, trồng lúa - ngon lành theo giao kèo là sự chọn lựa, định hình sinh kế “thuận thiên, thuận nhơn” - trúng khía là mọi thứ sẽ chạy tốt. “Thằng Hùng nuôi con tôm đủ một ký mốt mới bán (ý nói tôm khỏe, lớn). Tụi nó trẻ làm thấy ham. Năm nay tui tuổi sáu mươi bốn rồi, con cái học thành tài nên cứ làm lúa + tôm trên một mẫu rưỡi này, vui sống 50 năm nữa thôi” - Sáu Nghi hóm hỉnh nói.
Theo Báo Cần Thơ