Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề trong ngày khai mạc.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến công chúng với hơn 150 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, phác họa những nét độc đáo trong nghệ thuật tạo hình, cách trang trí họa tiết hoa sen trên các di vật, hiện vật thuộc nhiều chất liệu gốm, gỗ, kim loại, vải... Qua đó, trưng bày góp phần thể hiện sức sống bền bỉ của hình tượng hoa sen trong đời sống văn hóa Việt Nam nói chung, trên vùng đất phương Nam nói riêng.
Có thể nói, sen là loài cây gần gũi, thân thuộc đại bộ phận người dân Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, mang đậm dấu ấn trong mọi mặt đời sống như nông nghiệp, tâm linh, tín ngưỡng, giá trị tinh thần, biểu trưng văn hóa... Theo Bảo tàng TP Cần Thơ, trong hơn chục ngàn hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng, các hiện vật có đồ án trang trí hoa sen và các bộ phận từ cây sen chiếm số lượng lớn.
Ðược thể hiện qua các hình ảnh, trưng bày cho thấy sự ứng dụng của hình tượng sen trong các kiến trúc nổi tiếng, mang tính biểu tượng của ÐBSCL. Ðó là hai đóa hoa sen lớn trên cầu đi bộ Ninh Kiều lung linh ánh đèn về đêm, làm xao xuyến bao tâm hồn du khách khi một lần dạo chơi ở Cần Thơ. Hay là khi đến Bạc Liêu - quê hương “Dạ cổ hoài lang”, du khách không khỏi trầm trồ hình ảnh chiếc đờn kìm trên những cánh sen cực lớn ở quảng trường Hùng Vương. Dù được xây dựng chưa lâu nhưng hình ảnh này đã trở thành biểu tượng văn hóa mới ở Bạc Liêu. Rồi xuôi về đất Sen Hồng Ðồng Tháp, không khó bắt gặp dáng dấp sen ở các công trình nhưng ghi đậm dấu ấn phải kể đến là khu mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà mộ là được xây dựng hình một cánh sen; phía trước nhà mộ là hình tượng hoa sen cách điệu...
Ấn tượng ở trưng bày còn là các hiện vật gốm có đồ án trang trí từ sen, chủ đề nối dài, không đứt gãy. Ðơn cử như hiện vật ấm trà gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), niên đại vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với thân ấm được đắp nổi hình 2 con cua, 2 bông sen và 2 lá sen, bố trí đối xứng. Hiện vật khay trà gốm Lái Thiêu (Bình Dương) cũng gây ấn tượng với khách tham quan khi có hình tròn giống đài sen...
Sen cũng có mặt trong đời sống hội họa từ xa xưa, trên nhiều chất liệu như tranh khảm trai, tranh giấy dó, tranh điêu khắc... Ðơn cử là bộ tranh tứ bình mai - sen - cúc - hồng, trên có khắc thơ, thể hiện sự luân chuyển của thời gian, bốn mùa thanh bình. Trưng bày còn giới thiệu các bản phác thảo tranh kiếng của đồng bào dân tộc Khmer, tranh vẽ nội dung Phật giáo, trong đó nhiều hình ảnh từ sen được thể hiện uyển chuyển, khéo léo.
Nhưng có lẽ, trong vô vàn dấu ấn từ sen, dấu ấn sen trong tôn giáo, tín ngưỡng là đậm đà và đặc sắc nhất. Theo quan niệm của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, hoa sen gắn liền với sự giác ngộ, từ bi bác ái, sự thanh cao, trong sạch... Vì vậy mà trong nhiều tranh, tượng Phật, đồ thờ cúng Phật giáo, hình tượng hoa sen được thể hiện sinh động. Tiêu biểu là hiện vật tượng Ðức Phật Thích Ca đang ngồi kiết già trên bệ hình tòa sen cách điệu, xung quanh là dây lá uốn lượn, mang tính thẩm mỹ cao. Sen còn được tạc bên cạnh các nữ thần trong Ấn Ðộ giáo, biểu trưng cho sự mềm mại, thanh thoát. Ðó là hiện vật tượng Apsara đứng múa trên bệ hoa sen đầy uyển chuyển. Hay là khi ngắm nhìn đồ thờ tự: chân đèn, khánh, bát nhang, đĩa, lư hương, kỷ... bằng nhiều chất liệu như gốm, gỗ, đá... với phong phú hình ảnh từ sen, nhiều khách tham quan mới nhận ra rằng, dấu ấn hoa sen thật đậm sâu trong văn hóa Việt, từ rất xa xưa.
Và, có một giá trị từ sen dù không là hiện vật nhưng bao trọn tình cảm của nhiều người, chính là biểu trưng thuần khiết, đẹp đẽ, thanh cao từ sen, như câu ca dao xưa:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Tự bao giờ, sen đã đi sâu vào tâm tưởng của người Việt Nam, với những cảm thức đẹp đẽ, trân trọng. Trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ lại một lần nữa mang đến cho người xem những xúc cảm chân thành, vun đắp giá trị sen Việt, để rồi nhắc nhở nhau dù ở hoàn cảnh nào thì cũng phải cố gắng vươn lên, xanh tốt, tỏa ngát hương hoa như sen Việt vậy.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)