Dấu ấn văn học - nghệ thuật Cần Thơ

03/12/2018 - 08:41

Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật (VHNT) TP Cần Thơ tiền thân là Hội Văn nghệ Hậu Giang (thành lập tháng 2-1976), được thành lập vào năm 2007 trên cơ sở Hội VHNT TP Cần Thơ. Với lịch sử 42 năm hình thành và phát triển, 15 năm đồng hành cùng thành phố trực thuộc Trung ương, VHNT Cần Thơ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.

Ấn tượng 15 năm

Những năm 2004-2006, phong trào VHNT của thành phố tuy có phát triển nhưng với số lượng không nhiều. Thời điểm ấy, Hội VHNT thành phố có 5 hội địa phương: Nhà văn, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu và Nhiếp ảnh nghệ thuật; 3 phân hội địa phương: Kiến trúc, Múa, Văn nghệ dân gian; 5 chi hội Trung ương: Nhiếp ảnh nghệ thuật, Mỹ thuật, Nghệ sĩ múa, Nhạc sĩ, Văn nghệ dân gian; cùng 1 tổ hội Trung ương là Sân khấu. Tổng số hội viên VHNT lúc bấy giờ chỉ khoảng 300 người, trong đó hội viên Trung ương có khoảng 90 người.

  Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, trao giải Nhất cho tác giả đoạt giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ 2017. Ảnh: DUY KHÔI

Những năm đầu thành phố mới thành lập, tình hình sáng tác của văn nghệ sĩ còn khá hạn chế, số tác phẩm đoạt giải không nhiều. Tại Đại hội VI (nhiệm kỳ 2007-2012) của Liên hiệp các Hội VHNT thành phố diễn ra vào cuối năm 2007 cũng chỉ rõ: "Vai trò của Hội chưa ngang tầm với vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hội, của các nguồn lực xã hội, chưa tận dụng đúng mức lợi thế về nhiều mặt của một thành phố trung tâm khu vực và cả nước".

15 năm trôi qua, trải qua 3 kỳ Đại hội, Ban chấp hành và văn nghệ sĩ của Liên hiệp Các hội VHNT TP Cần Thơ luôn trách nhiệm và năng nổ, sáng tạo trong sáng tác, mang VHNT đến gần với công chúng, góp phần thổi bừng sinh khí văn nghệ. Bà Hứa Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, thông tin: Hiện Cần Thơ có 9 hội địa phương gồm: Nhà văn, Sân khấu, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian, Nghệ sĩ múa, Điện ảnh - Truyền hình, Kiến trúc sư; 6 chi hội Trung ương là Sân khấu, Nhạc sĩ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian và Nghệ sĩ múa. Liên hiệp Các hội VHNT TP Cần Thơ có gần 600 hội viên (tăng gấp đôi so với cách đây 15 năm). Một số hội có hội viên đông như Nhà văn (108 hội viên), Sân khấu (110 hội viên), Âm nhạc (73 hội viên), Nghệ sĩ múa (92 hội viên)...

Chỉ tính trong gia đoạn 2012-2018, văn nghệ sĩ thành phố đã đoạt 450 giải thưởng cao cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Công tác phổ biến, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ được thực hiện khá tốt. Hằng năm, văn nghệ sĩ Cần Thơ đều cho ra mắt hàng chục ấn phẩm, trong đó có nhiều ấn phẩm được Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT Trung ương và kinh phí hỗ trợ các đơn vị. Các văn nghệ sĩ còn chủ trì hoặc tham gia nhiều công trình khoa học cấp thành phố, dự án, đề án sưu tầm, nghiên cứu văn hóa phi vật thể...

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ còn tạo dấu ấn đẹp khi đăng cai nhiều liên hoan, hội thi quy mô như Liên hoan Nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL, Liên hoan Mỹ thuật ĐBSCL, Cuộc thi Sáng tác kịch bản Chặp cải lương, kịch ngắn khu vực ĐBSCL... được văn nghệ sĩ khắp nơi đánh giá cao.

Nâng tầm tác phẩm VHNT

Cùng với phát triển hội viên, việc nâng cao chất lượng sáng tác, tác phẩm luôn được Ban chấp hành Liên hiệp các Hội VHNT thành phố và văn nghệ sĩ chú trọng. Việc văn nghệ sĩ Cần Thơ tham gia và đoạt giải ở nhiều cuộc thi uy tín trong nước và quốc tế đã phần nào khẳng định vị thế của VHNT Cần Thơ.

Liên hiệp Các hội VHNT thành phố hiện có 3 cuộc thi truyền thống, định kỳ hằng năm là Nhiếp ảnh nghệ thuật, Mỹ thuật và cuộc thi sáng tác bài vọng cổ chủ đề "TP Cần Thơ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Hội Sân khấu. Đây không chỉ là sân chơi mà còn là động lực để văn nghệ sĩ sáng tác, cống hiến. Tác giả Trương Huy Hoàng (Hội Sân khấu thành phố), người từng đoạt nhiều giải thưởng của cuộc thi, cho biết: "Việc viết bài ca cổ về học tập và làm theo gương Bác tuy dễ mà khó. Dễ vì đây là chủ đề không mới nhưng khó là làm sao chân thật, không rơi vào việc ca ngợi chung chung, thiếu chất trữ tình". Hay với cuộc thi nhiếp ảnh "Hương sắc Cần Thơ" 2018 vừa kết thúc, chất lượng ảnh dự thi nâng lên thấy rõ, giám khảo là những nghệ sĩ bậc thầy, uy tín đã chọn ra bộ ảnh đoạt giải đẹp, xứng đáng. Ngoài ra, các hội chuyên ngành khác như Nhà văn, Âm nhạc... cũng thường tạo những sân chơi cho anh em hội viên.

Để giúp văn nghệ sĩ trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, Liên hiệp các Hội VHNT và các hội chuyên ngành hằng năm đều tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác, trao đổi nghiệp vụ... Nổi bật phải kể đến là Hội Nhà văn thành phố, những năm gần đây thường xuyên mời những nhà văn tên tuổi trao đổi phương pháp sáng tác theo từng thể loại, đề tài như bút ký, truyện ngắn, thơ... Mới đây, Hội Nhà văn thành phố còn tổ chức trại sáng tác truyện ngắn, các hội viên được tham quan, tìm hiểu đất và người, những mô hình kinh tế - xã hội điển hình ở Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai... và thu hoạch được nhiều tác phẩm chất lượng. Tác giả Đặng Tuyết, người tham gia trại sáng tác, nói: "Những chuyến đi như thế này khơi gợi cho chúng tôi đề tài và cảm hứng sáng tác. Điều này rất cần cho người cầm bút".

Đêm Thơ Nguyên Tiêu kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam do Liên hiệp các Hội VHNT thành phố phối hợp các đơn vị tổ chức vào Rằm tháng Giêng hằng năm. Ảnh: DUY KHÔI

Đặc biệt, vào năm 2015, lần đầu tiên một chuyến đi thực tế sáng tác tại Phú Quốc, các đơn vị thuộc Vùng V Hải quân do Liên hiệp các Hội VHNT thành phố tổ chức đã tạo được hiệu ứng tích cực. Khoảng 50 hội viên thuộc các hội chuyên ngành đã cùng tìm hiểu, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống và sáng tác. Qua đó, tìm được tiếng nói chung, tạo mối quan hệ giữa các hội chuyên ngành. Các nghệ sĩ tham gia đều nói rằng, mỗi chuyến đi, điểm đến cho họ thêm nhiều đề tài, cách tư duy đề tài và nghệ thuật mới mẻ, thời sự hơn.

Bên cạnh đó, nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị bàn về nghiệp vụ, phương pháp sáng tác cũng đã được tổ chức với mong muốn sẽ có thêm nhiều tác phẩm VHNT hay ra đời. Có thể kể đến như "Phương pháp sáng tác thơ lục bát", "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, liên hoan, hội thi, hội diễn quần chúng TP Cần Thơ", "Làm cách nào để nâng cao chất lượng tác phẩm, cách thu thập vốn sống và vận dụng vốn sống vào tác phẩm?"... Gần đây nhất, Hội Nghệ sĩ múa thành phố đã tổ chức tọa đàm về cách nâng chất hoạt động nghệ thuật múa ở Cần Thơ. Các nghệ sĩ, biên đạo đã cùng chia sẻ thẳng thắn, chân tình về thực trạng múa ở Cần Thơ và hiến kế để múa phát triển mạnh, xứng với vị thế trung tâm vùng của Cần Thơ.

Một chương trình nổi bật trong suốt nhiều năm qua của Liên hiệp Các hội VHNT thành phố là tổ chức thành công Đêm Thơ Nguyên Tiêu vào Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, chào mừng Ngày Thơ Việt Nam. Những tiết mục diễn ngâm, hát ca khúc phổ thơ, bài vọng cổ phổ thơ... trong chương trình nghệ thuật cùng rất nhiều hoạt động như thi sáng tác lục bát nhanh, trưng bày ấn phẩm thơ văn... đã thực sự tạo thành ngày hội cho người yêu thơ của thành phố.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", 15 năm qua, văn nghệ sĩ Cần Thơ luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sáng tác để luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP Cần Thơ.

Theo Báo Cần Thơ