Tháng giêng - mùa lễ hội
Đến hẹn lại lên, từ ngày 15/17 tháng Chạp, người dân ở khắp nơi lại nô nức trở về đình Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) tham gia Đại lễ Kỳ Yên. Đây là đại lễ tế Thần Hoàng Bổn Cảnh, những người có công khai phá, lập làng. Thông qua đại lễ này, người dân cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” , ghi nhớ công ơn những bậc tiền hiền. Đại lễ Kỳ Yên có các nghi thức cúng tế rất đặc trưng của lễ hội đình làng Nam bộ: Khai môn thượng kỳ, Mộc dục, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền,... Với các ý nghĩa trên, Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014.
Sau những ngày đón Tết Cổ truyền của dân tộc, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành lại tất bật chuẩn bị cái “tết” thứ 2 của quê hương. Đó chính là Lễ hội Làm Chay được tổ chức trong 2 ngày: 15 và 16 tháng Giêng
Sau những ngày đón Tết Cổ truyền của dân tộc, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành lại tất bật chuẩn bị cái “tết” thứ 2 của quê hương. Đó chính là Lễ hội Làm Chay được tiến hành trong 2 ngày: 15 và 16 tháng Giêng, với các hoạt động: Thỉnh rước ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ), thỉnh chư Phật, thỉnh thầy, cúng tế liệt sĩ, chiêu u, tổ chức các trò chơi dân gian, cúng chẩn tế cô hồn, xô giàn, đốt ông Tiêu,... Lễ hội Làm Chay xuất phát từ lòng yêu nước, sự yêu thương, kính trọng các bậc “nghĩa khí trung kiên” đã hy sinh trong phong trào chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu là ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự. Hàng năm, Lễ hội Làm Chay thu hút hàng ngàn lượt khách đến dự.
Sau Lễ hội Làm Chay, người dân tiếp tục nô nức tham gia Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cư dân địa phương, nơi thờ 5 yếu tố vật chất: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành được tín ngưỡng hóa thành 5 vị phúc thần là Ngũ Hành nương nương. Hàng năm, từ ngày 18-20 tháng Giêng, lễ hội diễn ra với các nghi lễ tín ngưỡng dân gian của một lễ Kỳ Yên cùng nghệ thuật múa bóng rỗi thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương về dự lễ hội để chiêm bái, cầu an, vui chơi, giải trí, giao lưu cộng đồng.
Hàng năm, từ ngày 18-20 tháng Giêng, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành được diễn ra với các nghi lễ tín ngưỡng dân gian của một lễ Kỳ Yên, cùng nghệ thuật múa bóng rỗi đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương về dự lễ hội để chiêm bái, cầu an, vui chơi, giải trí, giao lưu cộng đồng. Ảnh: PP
Gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Lễ hội Làm Chay, Vía bà Ngũ Hành và Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây là 3 lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây được xem là 3 lễ hội lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa tâm linh, hướng về nguồn cội, liên kết cộng đồng, góp phần hình thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Long An nói riêng và Nam bộ nói chung. Chính yếu tố thiêng liêng đó, các lễ hội không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn củng cố tình làng, nghĩa xóm, tình yêu quê hương, đất nước.
Lễ rước ông Tiêu - một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội Làm Chay. Ảnh: PP
Gắn bó với Lễ hội Làm Chay gần cả đời người, giờ đây tay run, mắt mờ nhưng ông Đoàn Công Tập (73 tuổi) - Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), vẫn hết lòng, hết sức chăm lo cho các hoạt động của đình Tân Xuân - nơi diễn ra Lễ hội Làm Chay.
Ông Tập tâm sự: “Khoảng mùng 10 tháng Giêng, các ban trong đình Tân Xuân bắt đầu chuẩn bị các hoạt động của Lễ hội Làm Chay. Không ai bảo ai, người lo hậu cần, người giữ gìn an ninh, trật tự, người thì nhận việc trang trí cổng chào, ghe đăng, thuyền hoa,... Công việc rất nhiều, các thành viên trong ban phải thay nhau thức suốt đêm để lễ hội được diễn ra tốt đẹp”. Không riêng ông Tập, ông Nguyễn Văn Công - Phó Hội Trưởng ban Hội hương miếu bà Ngũ Hành, cũng luôn nhiệt tình, tâm huyết với Lễ hội Vía bà Ngũ Hành. Ông Công tâm sự: “Hầu như năm nào diễn ra lễ hội cũng có thành viên trong ban bị ngất xỉu, bởi một phần làm việc quá sức, một phần lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng không vì nguyên nhân đó mà không tích cực đóng góp công sức cho lễ hội. Ngược lại, người dân nơi đây luôn quan niệm: “Người nào không có của thì góp công, góp sức”, thế nên ai cũng mong đến với lễ hội cùng chung tay lo việc làng. Và trong nhịp sống hối hả, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của công việc, từ đó ít gặp gỡ nhưng thông qua lễ hội, nhiều người con xa xứ có dịp trở về quê hương dâng nén hương tưởng nhớ tiền nhân và cùng ngồi nhâm nhi ly trà, tâm sự, chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống”.
Ảnh: Huỳnh Hương
Gia đình không mấy khá giả nhưng ông Mai Hữu Tài (ấp 6, xã Tân Phước Tây) tình nguyện bỏ ra hơn 4 năm để làm các thủ tục giúp Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ông Tài kể: “Trong suốt 4 năm đó, tôi đến tham quan gần 50 ngôi đình làng ở các tỉnh miền Tây; đồng thời tìm những người cao tuổi hỏi về việc cúng tế và tìm hiểu các thủ tục, giấy tờ để Đại lễ Kỳ Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, bởi có công nhận thì những nghi thức cúng tế mới được gìn giữ cho thế hệ mai sau. Với tôi và những người trong Ban Quý tế, không có niềm vui, hạnh phúc nào bằng khi hàng năm được tham gia Đại lễ Kỳ Yên”.
Hàng năm, từ ngày 18-20 tháng Giêng, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành được diễn ra với các nghi lễ tín ngưỡng dân gian của một lễ Kỳ Yên, cùng nghệ thuật múa bóng rỗi đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương về dự lễ hội để chiêm bái, cầu an, vui chơi, giải trí, giao lưu cộng đồng
Đầu năm, về Long An khám phá các lễ hội, được hòa mình vào các hoạt động diễn ra trong phần hội và giao lưu, trò chuyện với người đi lễ, chúng ta sẽ thấy được cái tình, cái nghĩa và những đạo lý tốt đẹp của người dân nơi đây. Sự thiêng liêng cùng không khí vui tươi của lễ hội sẽ mang đến cho chúng ta đầy ắp yêu thương và tiếng cười hạnh phúc, nhất là quên đi những lo toan, bộn bề của cuộc sống để hưởng một mùa xuân trọn vẹn.
Theo Báo Long An