Như một ngôi nhà, kết cấu chính của đáy hàng khơi là những cây cột bằng cây kè đốn từ rừng sâu Tây Nguyên. Cây kè làm cột đáy phải thẳng, dài trên 30 m, ruột cây rỗng. Do bằng gỗ nên không quá nặng, vừa cứng chắc, vừa có tính đàn hồi, có thể dẻo cong theo chiều nước chảy mạnh hay khi gió to - điều mà kim loại hay bê-tông khó làm được.
Khi gió mùa Tây Bắc suy yếu, gió mùa Tây Nam chưa về, lúc ấy trời êm, biển lặng là thời điểm thuận lợi cho người dân dựng đáy mới, di dời đáy cũ. Ở Cà Mau, ngư dân ra đáy hàng khơi thường đi cửa biển Cái Đôi Vàm (Phú Tân), Đất Mũi (Ngọc Hiển) nhưng cửa Vàm Lũng của Tân Ân (Ngọc Hiển) nhiều hơn. Vì gần ngư trường khai thác (khoảng 20 km cách đất liền), cửa này nhỏ, nước sâu, tàu ra - vô giữa đáy hàng khơi và bờ khá dễ dàng, thuận tiện khi sóng to, gió lớn.
Vận chuyển tôm cá từ đáy hàng khơi vào Vàm Lũng - Tân Ân - Ngọc Hiển. Ảnh: LÊ VŨ HOÀNG
Cụm đáy hàng khơi của bạn chòi Nguyễn Văn Hùng ở 8 độ vĩ Bắc, 105 độ kinh Đông, nằm chếch hướng Đông, cách Hòn Khoai (Ngọc Hiển) độ 10 km. Từ không ảnh, chắc chắn thế giới sẽ nhìn thấy đáy hàng khơi của các ngư dân Cà Mau như một chùm tóc xinh xắn vắt trên mặt biển xanh.
Ngư dân thường chọn thời điểm giữa 2 con nước rong, nước kém trong tháng để hạ cột đáy. Đó là các ngày mùng 7-10 hoặc từ 23-27 âm lịch. Công việc quan trọng bậc nhất là chọn thợ chỉ huy cặm đáy. Họ là những người thông minh, ít học ở trường nhưng có nhiều kinh nghiệm, giỏi nhẩm tính trong đầu về trọng lực cây cột, sức gió biển, dòng chảy của nước sâu... chính xác từng chút, từng ly để khi cặm cột được thẳng đứng, ngay hàng giữa bốn bề biển khơi sóng vỗ. Người thợ chính thường chọn 1 cây sủi để lấy dấu (dài trên 30 m bằng cây đước, có đường kính 1 tấc, đập vỏ, bào láng) và căng 3 sợi dây cho 3 tàu đánh cá chạy ra 3 hướng để kéo cây kè thẳng đứng vào đúng vị trí cây sủi đã đánh dấu trước đó. Theo lệnh hạ cột của người thợ chính, nhờ sức nặng, cây kè sẽ cắm phập vào đất bùn dưới đáy biển. Nhiều ngư dân làm nghề đáy hàng khơi nói: “Có thế, có thần lắm mới cắm được cột đáy!”.
Thế là cách thức, là kinh nghiệm, còn thần là lòng tin, quyết tâm cao, là kết nối bằng tâm linh của con người và thuỷ thần. Vì người dân làm nghề hạ bạc thường tâm niệm: Mình đi đâu, làm gì trên sông, trên biển đều có ông bà đi theo dòm chừng, phù hộ, giúp cho công việc làm ăn được thuận lợi.
Nghề đáy hàng khơi ra đời từ biển Trà Vinh bởi sáng kiến của ông Cả Quyền (Cao Văn Quyền), người được hậu thế tôn là bậc tiền hiền khai cơ, sáng lập nghề này (hiện tên tuổi ông còn được lưu giữ, thờ cúng trong Đình Thần tại ấp Bến Đáy, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Ông Cả Quyền là người Hoa, giỏi làm ăn, đem nghề đóng đáy ở sông Cầu, Phú Yên vào lập nghiệp, phát triển nghề đáy sông ở Trà Vinh vào những năm cuối thế kỷ XIX. Rồi nhờ có thuyền buồm nên ông Cả Quyền chuyển từ đáy sông ra đáy biển, tạo ra buổi ban sơ của đáy hàng khơi ở biển Tây Nam đến ngày nay.
Theo thời gian, nghề đáy hàng khơi càng hoàn chỉnh cả cách hành nghề và mối quan hệ nghề nghiệp. Người bỏ tiền của mua sắm ghe thuyền, sắm hàng đáy được gọi là chủ đáy, còn người làm công cho chủ gọi chung là bạn đáy. Bạn đáy cũng chia làm 2 loại, người theo ghe khuân vác vận chuyển tôm cá theo ghe vào bờ thì gọi là bạn ghe; người trụ trên đáy hàng khơi lo buông đáy, kéo đáy, đổ đục thì gọi là bạn chòi. Đến con nước đóng đáy bắt cá tôm thì bạn chòi được chủ đáy chở từ trong bờ ra các miệng đáy (mỗi tháng 2 lần). Bạn chòi ở lại chòi cho đến khi hết con nước rong mới được vô đất liền, về nhà.
Ông Nguyễn Văn Hùng trên 70 tuổi, quê Trà Vinh, là bạn chòi đáy hàng khơi ở Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, người có thâm niên gần nửa thế kỷ sống trong các chòi. Ông là cái gạch nối của ngư dân Trà Vinh, nơi ra đời và ngư dân Cà Mau, nơi nghề đáy hàng khơi phát triển mạnh hơn thế kỷ qua. Ông Hùng còn nghĩ ra sáng kiến hay là dùng cái kiềng bằng vòng sắt tròn xài bền, nhẹ, dễ kéo đục đáy đổ tôm cá vào ghe, thay cho cây đước trước đây dễ rách và dễ bị gãy, làm lợi cho chủ đáy một khoản đáng kể.
Nếu ngư dân của Cầu Ngang, Trà Vinh nương theo các dòng chảy của cửa sông Cửu Long để hạ đáy, thì ngư dân Cà Mau thường chọn vùng biển nằm giữa Hòn Khoai (Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (Trần Văn Thời) thuộc phía Đông Nam của Vịnh Thái Lan để đóng đáy hàng khơi. Đó là vùng giáp ranh giữa biển nước đục (có phù sa) và biển nước trong mà ngư dân địa phương gọi là vùng giáp ngời, nơi có nhiều loài cá tôm sinh sống. Giáp ngời và hàng khơi là cụm từ gợi cho chúng ta nơi chân trời, góc biển. Ở đó có bạn chòi ngày đêm bám biển, đem về nhiều sản vật nuôi sống con người ở đất liền, đôi khi còn đi xa đến trời Tây với "made in Cà Mau" trên các siêu thị lớn...
Đóng đáy là cách đánh bắt cá tôm của người phương Nam, nhất là ở vùng sông nước. Căng đáy ra trên sông gọi là đáy sông, đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là đáy hàng cạn, còn đem ra trên biển từ 10-20 hải lý (18-36 km), nước sâu trên 10 sải tay (hơn 18 m) gọi là đáy hàng khơi. Mỗi hàng đáy gọi là 1 sở đáy, có từ 8-18 miệng đáy, mỗi miệng rộng khoảng 18 m. Ngày trước ngư dân đi biển chỉ có ghe buồm nên không thể ra khơi vào mùa Nam, mùa biển động. Vào mùa này, dân đóng đáy hàng khơi chỉ ở trong bờ vá đáy.
Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, động cơ thuỷ xuất hiện, ngư dân đóng ghe có tải trọng lớn 10-30 tấn để ra khơi xa và đóng đáy được quanh năm. Người có đáy hàng khơi đương nhiên có sàn lựa tôm cá trong bờ. Vào mỗi con nước đóng đáy, ngư dân đưa tàu tải ra khơi chuyển cá tôm vào bờ 2 lần/ngày để kịp đem cá tôm về vựa, phân loại đi bán.
Tôm là nguồn lợi lớn của vùng biển Tây Nam. Vì nơi đây vừa có biển trong xanh, vừa có nước biển đục phù sa thích hợp cho tôm cá... sinh sống. Cả nước ta không có nơi nào nhiều như vựa cá tôm tự nhiên ở bán đảo Cà Mau nên nghề nuôi tôm biển ra đời từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Còn nghề chế biến tôm là cả một công nghệ dài, chỉ riêng nghề làm tôm khô ở Rạch Gốc, Tân Ân, Ngọc Hiển có từ khi đáy sông, đáy cạn, đáy hàng khơi phát triển.
Dẫu có thơ mộng đến mấy cũng không quên cái nghề phiêu lưu trên sóng biển Cà Mau. Ai đời đem cây, đem lá cất chòi trên biển khơi. Ai đời chịu co ro trong cái chòi canh chưa đầy 5 m ngoài biển lắm truân chuyên và đầy bất trắc. Làm bạn chòi đáy hàng khơi không dành cho người yếu bóng vía.
Ông Nguyễn Văn Hùng nhớ lại: Tháng 11/1997, chở 42 miệng đáy từ cửa sông Vàm Lũng ra đóng đáy, bị mưa, bão ập đến làm cho ghe lật nhào, chìm giữa biển. Gió cấp 10, cấp 11. Ông và 8 bạn chòi rơi xuống biển phải đeo bám đuôi ghe 2-3 giờ mới có tàu thuyền đến cứu thoát nạn. Về đất liền định bỏ nghề luôn, nhưng vì yêu nghề, ông Hùng lại tiếp tục làm bạn chòi. Tuổi đã ngoài 70, tính ra, ông có gần 40 năm làm nghề bạn chòi đáy hàng khơi.
Ông Ba Hùng giờ hơn 70 tuổi, đã giải nghệ đời bạn chòi, về quê hương Bến Đáy, Mỹ Long, Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh, nơi xuất phát nghề đáy hàng khơi, để dưỡng thân, chiều theo ý các con vì tuổi già, sức yếu.
Dân đi biển có câu: “Tháng Một động dài/ Tháng Hai động tố/ Tháng Ba nồm rộ / Tháng Tư nam non/ Tháng Năm thổi dòn/ Tháng Sáu cắt cụp/ Tháng Bảy cò về/ Tháng Tám đồng chung/ Tháng Chín mãn mùa ...”.
Tháng Chín mãn mùa, bạn chòi được về với vợ, với con, để rồi chờ tháng Mười lại ra biển khơi, nơi họ dành cả cuộc đời gắn bó./.
Theo LÊ VŨ HOÀNG - TRẦN CHÍ KÔNG (Báo Cà Mau)