Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa

10/04/2025 - 09:48

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm giao thương năng động, tỉnh đã tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển thương mại. Đến nay, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh không chỉ phát triển nhanh về số lượng, quy mô mà còn đa dạng về loại hình theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

NGÀNH BÁN LẺ PHÁT TRIỂN RỘNG KHẮP

Với sự phát triển nhanh về kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm các loại hình bán lẻ hiện đại ngày càng tăng, tạo điều kiện cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn phát triển. Toàn tỉnh hiện có 7 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 62 chợ và hàng ngàn cửa hàng tiện ích, bách hóa rải đều khắp các địa phương từ thành thị đến nông thôn, tạo ra các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt, thúc đẩy giao thương và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp (DN) bán lẻ… trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đảm bảo nguồn cung các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh và các vùng miền. Chủ động nhập nguồn hàng cũng như có các chính sách khuyến mại giảm giá để kích cầu việc mua sắm của người dân. Ngoài ra, các tổ chức, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh cũng tích cực phát huy năng lực sản xuất - kinh doanh và điều chỉnh kế hoạch, phương án sản xuất của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong tỉnh.

Các chợ nông thôn được đầu tư khang trang, thúc đẩy thương mại nội địa phát triển. Ảnh: T.Q

TĂNG GIÁ TRỊ NGÀNH THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA

Trong năm 2025, thương mại nội địa vẫn tiếp tục xu hướng tăng tốt do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 87.500 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2024. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bởi nhìn trên thực tế, thương mại nội địa có sự biến động do tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu còn diễn biến phức tạp, các hoạt động phát triển thương mại điện tử tuy phát triển nhưng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thị hiếu...

Để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa trong thời gian tới, Sở Công thương khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng, đồng thời chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông - thủy sản, phát triển trung tâm logistics, trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm, siêu thị; phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí hóa lỏng; phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ - thương mại chất lượng cao, an toàn, hiện đại… đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quan tâm phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường tổ chức các cuộc hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị phần nhằm hỗ trợ DN kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…, góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.

Theo Báo Bạc Liêu