Là một trong những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm đứng trên bục giảng và đã tham gia dạy tại trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường, Nhà giáo Ưu tú Mai Giang Nam, giáo viên Trường THCS Phan Ngọc Hiển (thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi), chia sẻ quan điểm: “Sự thay đổi này xuất phát từ tình hình thực tế và nhu cầu của xã hội, đồng thời căn cứ theo luật hiện hành và chặt chẽ hơn. Khác biệt lớn nhất trong Dự thảo là về quy trình dạy thêm trong nhà trường, theo đó tổ chuyên môn sẽ lên kế hoạch dạy thêm, trình ban giám hiệu nhà trường duyệt, sau đó học sinh sẽ đăng ký, lập danh sách. Cùng với đó, đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, Dự thảo quy định giáo viên được dạy học sinh mình với điều kiện phải lập danh sách học sinh và để hiệu trưởng quản lý. Cách làm này sẽ phù hợp hơn trong việc giáo viên đánh giá năng lực học sinh của mình và có kế hoạch giảng dạy phù hợp”.
Ông Trần Thanh Văn, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Dự thảo thông tư lần này cho thấy được sự cởi mở hơn của Bộ GD&ÐT trong việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, việc thực hiện phải thật chặt chẽ, cần có sự chung tay của toàn xã hội cùng giám sát và đánh giá. Theo tôi, điều quan trọng là ý thức của đội ngũ giáo viên phải nhìn nhận đúng về việc dạy thêm, học thêm. Thời gian qua, trên địa bàn huyện, đội ngũ thầy cô giáo có tham gia giảng dạy tại trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường và bồi dưỡng học sinh giỏi đều làm rất tốt, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh mặc dù thù lao không nhiều”.
Nếu Dự thảo được thông qua thì cấp tiểu học sẽ không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, vì cấp học này học 2 buổi/ngày. (Ảnh minh hoạ).
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc học thêm, dạy thêm đã có những tiêu cực xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, ví dụ như việc giáo viên ép học sinh học thêm, dạy trước chương trình, không công bằng trong việc kiểm tra đánh giá giữa các em có và không có học thêm. Chính vì vậy, khi Dự thảo được công bố, các bậc phụ huynh rất quan tâm và cũng không tránh sự lo ngại.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Phường 5, TP Cà Mau, nhận định: “Vấn đề học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, khi ban hành những quy định mới, ngành giáo dục cần có sự quản lý thật chặt để ngăn chặn tiêu cực xảy ra. Tôi mong muốn Dự thảo sẽ xây dựng cơ chế để phụ huynh cùng giám sát, phản ánh và có chế tài xử lý nghiêm trường hợp giáo viên vi phạm thông tư về dạy thêm, học thêm”.
Có thể thấy, việc đưa ra dự thảo sửa đổi thay thế Thông tư 17 cho thấy sự linh hoạt của ngành giáo dục, phù hợp với nhu cầu xã hội và tình hình thực tế. Việc xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ góp phần để hoạt động dạy thêm, học thêm được nhìn thẳng và đi đúng hướng.
Những điểm mới trong Dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm: Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Giáo viên đề xuất dạy thêm, học thêm cần nêu rõ lý do; mục tiêu; nội dung, thời lượng... trong tổ chuyên môn để lấy ý kiến, đi đến thống nhất; căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với ban lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện ban phụ huynh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của HÐND cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định. Tổng thời lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học; không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS; không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT. Giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khoá không cần xin phép hiệu trưởng, tuy nhiên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học thêm. Giáo viên cũng phải cam kết không sử dụng ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Theo HỮU NGHĨA (Báo Cà Mau)