Theo UBND xã Mỹ Hạnh Đông, sản xuất lúa trên địa bàn chủ yếu theo truyền thống, sạ dày dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, qua học tập các mô hình HTX sản xuất lúa ở các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang…, xã quyết tâm thành lập HTX.
Ban đầu, người dân không mặn mà tham gia HTX. Song, với sự vận động, phân tích, chứng minh qua những mô hình HTX hoạt động hiệu quả của lãnh đạo, các ngành, đoàn thể xã, bước đầu có khoảng 30 hộ dân nòng cốt đã tham gia HTX.
Lãnh đạo xã Mỹ Hạnh Đông luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho HTX.
Trong quá trình hoạt động, Đảng ủy, UBND xã luôn sát cánh, hỗ trợ để HTX ổn định sản xuất, phát triển. Cụ thể, xã đã tìm hiểu và giới thiệu cho HTX tham quan những mô hình HTX hoạt động có hiệu quả để học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, xã tổ chức tuyên truyền các nội dung, văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách để HTX tìm hiểu, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình hoạt động, HTX còn gặp phải khó khăn. Trước hết về đầu ra sản phẩm, hợp đồng tiêu thụ ký kết với doanh nghiệp thu mua còn bất cập, cụ thể là chênh lệnh giữa giá ký kết và giá bán ngoài thị trường. Bên cạnh đó, việc ký kết tiêu thụ lúa chỉ diễn ra vào vụ lúa đông xuân, thay vì 3 vụ trong năm.
Theo ông Nguyễn Văn Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Mỹ Hạnh Đông, tiền thân của HTX Nông nghiệp Mỹ Hạnh Đông là Tổ hợp tác sản xuất lúa giống.
Trong quá trình hoạt động, HTX được Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hạnh Đông hỗ trợ về thủ tục, liên kết với đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng diện tích lúa liên kết tiêu thụ với Công ty Lương thực Tiền Giang trên 100 ha, có vụ khoảng 200 ha. Từ đó, thu nhập của nông dân trồng lúa cao hơn từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/công so với trước đó.
Ông Trương Văn Út, thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Hạnh Đông cho biết, ông tham gia HTX ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Khi tham gia HTX, ông được tham gia các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất lúa, nên lợi nhuận sản xuất lúa cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 300 ngàn đồng/công, chi phí đầu vào giảm.
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Đông Nguyễn Văn Lập, HTX đi vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc đưa HTX vào hoạt động là nền tảng để xã tiếp cận và được đầu tư thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat).
Trên cơ sở đó, nông dân đã hưởng ứng và mạnh dạn tham gia. Mặt khác, khi vào HTX, người dân còn tham gia mô hình Cánh đồng lớn, được cung ứng vật tư nông nghiệp, kể cả ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Lương thực Tiền Giang.
Theo đó, mỗi vụ lúa, trên địa bàn xã có trên 200 ha tham gia Cánh đồng lớn, gieo trồng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, Jasmine… Từ đó, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Song hành với Dự án VnSat, thành viên HTX còn được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật sản xuất lúa theo các mô hình như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lập, thời gian tới bên cạnh duy trì hoạt động của HTX, xã còn mở rộng thêm dịch vụ cho đơn vị kinh tế tập thể này như: Cung ứng, sản xuất lúa giống; hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ…
Đảng ủy, UBND xã sẽ có định hướng cho HTX nghiên cứu tìm thị trường đầu ra. “Có thể nói, quá trình hoạt động của HTX Nông nghiệp Mỹ Hạnh Đông còn gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở xã, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” - đồng chí Nguyễn Văn Lập cho biết thêm.
Theo M. THÀNH (Báo Ấp Bắc)