Óc Eo là nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, nền văn hóa gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ 19.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”.
Hố khai quật tại sân Chùa Linh Sơn Cổ Tự - khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Mục tiêu quan trọng của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), nhằm làm rõ giá trị của Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, cung cấp cơ sở khoa học cho công tác qui hoạch, bảo tồn và xây dựng Hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Từ năm 2017, Đề án bắt đầu được khởi động bằng cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Năm 2018, khu di tích Nền Chùa bắt đầu được khảo sát. Sau gần 4 năm thực hiện, Đề án đã hoàn thành và đã thu được nhiều thành tựu khoa học mới rất quan trọng.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê gồm hai khu vực địa hình là Cánh đồng Óc Eo và Núi Ba Thê phân bố trên một không gian rộng khoảng 160 héc ta.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, những phát hiện mới về khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa giai đoạn 2017 – 2020 và kết quả nghiên cứu của Đề án Văn hóa Óc Eo do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, đã cung cấp cơ sở khoa học tin cậy cho công tác qui hoạch, bảo tồn và xây dựng Hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Theo THỤC ANH (Báo Công lý)