Lũ thấp, người nuôi thủy sản gặp khó
Nuôi thủy sản mùa lũ gặp khó
Hàng năm, cứ khoảng tháng 5, anh Nguyễn Văn Điển, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, lại làm vèo ươm cá giống. Khoảng 2 tháng sau, khi cá phát triển, anh tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ cá tạp cho cá nuôi ăn. Đến khoảng tháng 10, 11, khi nước lũ rút cũng là lúc thu hoạch cá nuôi.
Mùa lũ năm nay, anh thả nuôi 3.500 con cá lóc. Gần chục năm nuôi cá nhưng chưa năm nào anh Điển thấy khó như năm nay, bởi nước lũ thấp, lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi rất ít. “Mọi năm mùa lũ về, cá tạp nhiều, giá rẻ (2.000-3.000 đồng/kg) nhưng năm nay rất ít, giá bán lại cao (8.000-10.000 đồng/kg). Để bảo đảm cho cá sinh trưởng và phát triển, tôi phải mua thức ăn chế biến sẵn cho cá nuôi, tính ra, chi phí cao gấp 2-3 lần so với những năm trước” - anh Điển nói.
Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm qua, theo kinh nghiệm của ông Dương Văn Tèo, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, thông thường, nuôi cá lóc khoảng 6-7 tháng sẽ nặng từ 0,7-1,5kg. Những năm trước, vào mùa lũ, gia đình ông thả nuôi từ 40.000-50.000 con cá lóc, vài năm gần đây, số lượng giảm dần. Mùa lũ này, ông chỉ thả nuôi 10.000 con. Theo ông, do lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi ngày càng khan hiếm, phải mua với giá cao nên lợi nhuận thấp.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - Võ Ngọc Nhồi cho biết: “Hàng năm, vào mùa nước lũ, xã có khoảng 100 hộ dân nuôi thủy sản, chủ yếu là cá lóc, cá bông, cá trê trong lồng, vèo. Mấy năm gần đây, do giá bán bấp bênh, lượng cá mồi từ thiên nhiên khan hiếm khiến chi phí nuôi cao, nhiều hộ dân thua lỗ, buộc phải bỏ nghề. Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn còn khoảng 20 hộ dân nuôi cá trong mùa lũ, giảm 70-80% số hộ nuôi so với trước đây”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết, mùa lũ năm 2018, toàn huyện thả nuôi được hơn 35ha, hơn 600 lồng, vèo, sản lượng trên 7.000 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích thả nuôi chỉ hơn 20ha, gần 300 lồng, vèo, giảm khoảng 50% so với năm trước. Các loại các nuôi chủ yếu là cá lóc, bông, trê, điêu hồng,…
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, diện tích nuôi, trồng thủy sản nước ngọt tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Đa số nông dân nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ. Đến cuối tháng 9/2019, diện tích thả nuôi thực tế so với kế hoạch là 1.933/2.570ha (đạt 75%); thể tích nuôi lồng, vèo hơn 7.500/15.000m3; thu hoạch hơn 1.563ha và 4.000m3 lồng, vèo với sản lượng hơn 17.000 tấn.
Một số hộ dân trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa
Thua lỗ vì ươm nuôi cá tra giống
Khoảng 2 năm trở lại đây, giá cá tra giống tăng, mang lại lợi nhuận cao từ 50-70 triệu đồng/ha ao nuôi, thậm chí có ao lãi 500-700 triệu đồng/vụ nên nhiều nông dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh ồ ạt đào ao nuôi không theo quy hoạch. Hơn nữa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi còn hạn chế, thị trường giá cả không ổn định dẫn đến nhiều nông dân bị thua lỗ nặng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích nuôi cá tra giống trên địa bàn khoảng 3.541,6ha (huyện Tân Hưng 1.799,32ha, Tân Thạnh 1.338ha, Vĩnh Hưng 183,6ha, Thạnh Hóa 84,3ha, Mộc Hóa 86ha và thị xã Kiến Tường 50,4ha). 3 tháng đầu năm 2019, giá cá tra giống dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi cao. Tuy nhiên, hiện nay, giá cá tra giống giảm nhiều, chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg nên những người nuôi bị thua lỗ. Tại một số địa phương, người dân đã “treo” ao, một số san lấp ao để trồng lúa trở lại.
Anh Ngô Thanh Phong, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “Nhiều nông dân ươm nuôi cá tra giống than thở, cá bị nhiễm bệnh, giá cả không ổn định nên thua lỗ nặng. Như gia đình tôi không những chưa lấy được số vốn hơn 100 triệu đồng mà còn lỗ hơn 70 triệu đồng sau mấy đợt ươm cá không đạt”.
Nhắc đến việc nuôi cá tra giống, ông Phạm Văn Mây, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, cảm thấy ngán ngẩm. Sau 2 lần thả nuôi, ông lỗ gần 300 triệu đồng. Ông Mây cho biết, thấy những hộ dân trong ấp thả nuôi, ông cũng chuyển 1,2ha đất lúa của gia đình sang đào ao nuôi cá. Hiện trong số diện tích này, một nửa ông cho hộ dân khác thuê, phần còn lại ông thuê máy với chi phí hơn 40 triệu đồng để lấp ao, sản xuất lúa trở lại.
Thu hoạch cá
Để nghề nuôi, trồng thủy sản ổn định, bền vững
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết, nguyên nhân dẫn đến nông dân thua lỗ là do thiếu kiến thức, kỹ thuật ươm nuôi cá, chưa hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống không bảo đảm, nuôi tự phát không theo quy hoạch với diện tích lớn khiến cung vượt cầu, giá cả không ổn định,... Thời gian tới, để việc nuôi cá hiệu quả, nông dân cần liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã) nhằm hợp tác với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu để sản xuất giống đạt yêu cầu doanh nghiệp đặt ra. Đồng thời, chuyển đổi nuôi các loại thủy sản khác (cá lóc, trê, rô,...) nhưng cần tìm hiểu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, việc nuôi thủy sản mùa lũ giảm đáng kể trong thời gian qua do lũ thấp, nguồn thủy sản (cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi) không dồi dào như trước, lợi nhuận không cao, thậm chí thua lỗ. Hiện trên địa bàn có gần 300 hộ nuôi cá mùa lũ, chủ yếu nuôi lồng, vèo, giảm khoảng 50% so với trước đây. Riêng về nuôi cá tra giống, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân trên địa bàn đào hơn 183ha đất sản xuất lúa chuyển sang nuôi cá tra giống. Địa phương khuyến cáo người dân thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao, nguy cơ thất bại rất dễ xảy ra nếu không nắm rõ kỹ thuật.
Thời gian tới, địa phương có hướng tận dụng các ao nuôi này chuyển đổi nuôi các loại giống cá khác phù hợp với điều kiện của địa phương, khuyến cáo người dân chọn thời điểm nuôi thích hợp, tìm mối liên kết để có đầu ra ổn định. Các ngành chức năng huyện tăng cường tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và dạy nghề nhằm trang bị cho người dân kiến thức về nuôi thủy sản, đồng thời quy hoạch vùng nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười, cần đẩy mạnh nuôi, trồng theo hướng tập trung trên các diện tích ao với các loại chủ lực: Cá tra, rô phi, cá lóc, trê,... Phát triển nuôi cá mùa nước nổi với mô hình nuôi lồng, bè, vèo trên sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường. Để thủy sản trở thành thế mạnh của vùng, cần phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững. Về lâu dài, định hướng cho phát triển nuôi thủy sản với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Chú trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt phát triển mạnh nuôi, trồng thủy sản theo chiều sâu, liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào đến đầu ra sản phẩm, trong đó, lưu ý không sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Trước hết, rà soát, xây dựng vùng nuôi để đầu tư hạ tầng đồng bộ, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi, trồng thủy sản; tổ chức các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, không chỉ phục vụ nội địa mà còn vươn tới xuất khẩu.
Theo Báo Long An